GS. Ngô Bảo Châu gặp lại Thầy
giáo cũ Phạm Văn Hùng |
PGS. TS. Phan Đức Chính là
người đã gắn bó với Khối từ những ngày đầu “rừng rú” ấy...
Phan
Ðức Chính tốt nghiệp đại học năm 1956, khi vừa tròn 20 tuổi. Năm 1961, anh được
cử sang làm nghiên cứu sinh tại Ðại học Lô-mô-nô-xốp. Mấy năm ở Mát-xcơ-va, anh
vừa viết luận án tiến sĩ, vừa cùng thầy E.Sư-lốp biên soạn cuốn sách chuyên khảo
Ðộ đo, tích phân, đạo hàm trong không gian tuyến tính. Ðó là cuốn sách toán đầu
tiên mà người Việt Nam là một đồng tác giả được xuất bản tại Liên Xô (cũ).
Trở về nước, anh giảng dạy tại Khoa Toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Bên
cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng là người dành nhiều tâm huyết
cho công tác giáo dục và đặc biệt quan tâm đến việc phát hiện, bồi dưỡng những
tài năng trẻ, nhất là tài năng toán học. |
Thủ tướng đã chỉ ra ngay từ giữa thập niên 60 thế kỷ 20: 'Nhiều ngành khác
thường phải bạc đầu mới thành bác học. Toán học không phải bạc đầu đâu, ta có
thể đi nhanh'. Có thể coi câu nói của Thủ tướng dạo ấy như một lời tiên tri. Ngô
Bảo Châu được tặng Huy chương Fields khi mới 38 tuổi, đâu phải đã bạc đầu, đã
trở thành một nhà bác học.
Ðể có thể 'đi nhanh', Thủ tướng nêu lên phương hướng rất rõ ràng: 'Nếu trong tất
cả các trường phổ thông từ cấp 1 lên cấp 2, ta có cách gì phát hiện phần lớn và
đừng bỏ sót những em có năng khiếu đặc biệt, rồi ta có cách dạy (...), nâng đỡ
cho các em phát huy tài năng của các em thì rồi đây ta sẽ có những nhà toán học
trẻ có tài năng ghê gớm. Ðối với ngành toán, phải làm như vậy mới kịp người ta'.
Ngay dưới mưa bom Mỹ, vị Thủ tướng nước Việt Nam kháng chiến đã nhìn thấu suốt
ngày mai, với sự xuất hiện nhiều tài năng toán học thế hệ mới, vốn là 'dân
chuyên toán gạo cội', như Ðào Trọng Thi, Ngô Bảo Châu, Ngô Việt Trung, Vũ Hà Văn,
Ðàm Thanh Sơn, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Tự Quốc Thắng, Trần Văn Nhung, Lê Tuấn Hoa,
Nguyễn Ðông Anh, Phạm Hữu Tiệp, Ðinh Tiến Cường, Nguyễn Hồng Thái, Ngô Ðắc Tuấn,
Ðào Hải Long, Lê Hùng Việt Bảo, v.v.
Thủ tướng muốn mở những lớp chuyên ngay từ cấp 2, và dạo ấy, đã từng có nhiều
lớp chuyên ở cấp 2, như các lớp chuyên toán của Hà Nội đặt tại Trường Trưng
Vương, được các thầy Tôn Thân, Lê Mộng Ngọc, Vũ Hữu Bình dạy toán.
PGS.
TS. Phan Ðức Chính trở về nước đúng vào lúc Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đánh phá rộng
khắp miền bắc Việt Nam.
Nhưng, cũng đúng vào năm tháng gian nguy ấy, GS. Lê Văn Thiêm, Phó hiệu trưởng
Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, và TS. Hoàng Tụy, chủ nhiệm Khoa Toán, nói với
PGS. TS. Phan Ðức Chính:
- Thủ tướng vừa chỉ thị: Dù chiến tranh ác liệt đến đâu, trường ta vẫn phải đi
đầu mở các lớp toán đặc biệt dành cho những học sinh cấp 3 có năng khiếu rõ nét.
Anh hãy giúp một tay!...
Chủ trương của Thủ tướng được GS. Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Ðại học và Trung học
chuyên nghiệp, hết lòng ủng hộ.
Thế là, ngoài việc giảng dạy đại học, từ nay, thầy Chính còn được giao thêm
nhiệm vụ dạy các học sinh cấp 3 chuyên toán, một công việc 'lắt nhắt', mất nhiều
thời gian. Thầy thuộc thế hệ những nhà toán học Việt Nam đã phải hy sinh khát
vọng nghiên cứu, khám phá cái mới của mình để dành tâm huyết bồi dưỡng cho đất
nước những mầm non toán học.
Từ những ngày đầu 'rừng rú'
PGS. TS. Phan Ðức Chính kể lại: Ðầu năm học 1965-1966, vượt qua những chặng đường
bom đạn, các em học sinh cấp 3 mới 15-16 tuổi từ nhiều tỉnh, thành phố trên miền
bắc nước ta tập trung về bãi Phúc Xá (Hà Nội), rồi được đưa lên nơi trường sơ
tán ở Ðại Từ (Thái Nguyên). Lớp học là ba gian nhà tranh, vách nứa nằm giữa xóm
Ðình, gần Khoa Toán và Hiệu bộ. Các khoa trong trường cử những thầy giáo ở trình
độ cao mà lại giàu nhiệt huyết đến dạy các em. Giờ đây nhớ lại, tôi cảm thấy
thương các em quá chừng! Còn bé bỏng thế, mà đã phải sống xa nhà!...
GS. TSKH. Ðào Trọng Thi, một cựu học sinh chuyên toán khóa 2, cho biết: Chúng tôi
được gọi về trường, lúc đó đang sơ tán lên huyện Ðại Từ, Thái Nguyên. Con tàu
thời chiến rời Hà Nội khi thành phố mới lên đèn, đưa chúng tôi đến ga Quán Triều.
Nhà trường ưu tiên cho một chiếc xe con ra ga đón. Chúng tôi thay phiên nhau,
lúc cuốc bộ, lúc ngồi xe, vượt qua 30 km đường rừng trong đêm tối như bưng. Lớp
học dựng trên một cái gò giữa cánh đồng hoang, chung quanh là núi cao xanh thẫm.
Vào rừng đốn gỗ về đóng bàn ghế đơn sơ. Rồi đào hầm trú ẩn, hào giao thông chạy
xuyên qua lớp học... Nhớ những đêm giá buốt giữa rừng Việt Bắc, ngồi quây quần
bên bếp lửa, chờ chín nồi sắn luộc, ăn cho đỡ đói lòng. Rồi những buổi trưa hè
nắng gắt, lên núi cao kiếm củi trở về muộn, đói lả người mà vẫn gánh trĩu vai.
Nhớ những cái Tết xa nhà... Và những lần cuốc bộ ra ga về phép... Lạ lùng thay,
chính trong những năm tháng khó khăn vất vả đến tột cùng ấy, tôi lại dám ôm ấp
ước mơ trở thành... nhà toán học!
Dưới tán rừng Ðại Từ, chẳng mấy chốc mọc lên hàng trăm lớp học cho các anh chị
sinh viên các khoa, và cả cho các em 'toán con' bé nhỏ. Rồi phòng thí nghiệm,
thư viện, nhà ở, nhà ăn. Những lý thuyết khoa học hiện đại được giảng dạy trong
mấy dãy 'nhà lá ba gian/nứa ghép hàng đôi làm bàn học/chống trả mấy mùa mưa ngàn,
mấy mùa gió lốc...'.
Nhớ thầy, nhớ bạn một thời A0
Lên bậc trung học phổ thông, Ngô Bảo Châu thi đỗ vào Khối A0. Trường đại học
Tổng hợp lúc ấy đặt ký hiệu cho Khoa Toán bằng chữ A, năm thứ nhất đại học là
A1, năm thứ hai là A2... Còn các lớp phổ thông chuyên toán, chưa phải đại học,
nên đành phải gọi là A0 (đọc là A không, chứ không phải Ao; nếu là lớp 10 thì
gọi là A010, v.v.
Lúc bấy giờ Khối đóng ở làng Mễ Trì. Suốt mấy thập niên, Khối hội tụ được nhiều
thầy giáo dạy toán nổi tiếng như Phan Ðức Chính, Lê Ðình Thịnh, Phạm Văn Ðiều,
Phạm Tấn Dương, Nguyễn Xuân Tiến, Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Xuân My, Ðỗ Thanh Sơn,
Nguyễn Vũ Lương, Phạm Văn Hùng, v.v., cũng như những cô giáo, thầy giáo dạy giỏi
các môn khác như các cô Ðặng Thanh Hoa, Nguyễn Thị Tính, các thầy Lê Ðình Vinh,
Dương Hoàng Giang, Lê Văn Việt, Nguyễn Cảnh Hòe...
Tình bạn thời A0 thật bền đượm như những mối tình đầu trong trắng.
Nhiều người thường nghĩ dân chuyên toán kém các môn khoa học xã hội, nhất là môn
văn. Ðâu phải thế! Ngô Bảo Châu và nhiều bạn cùng lớp thường được điểm 8 bài
kiểm tra văn, có khi còn được điểm 9, và 'buồn rũ rượi' nhỡ ra 'bị'... điểm 7!
Một bạn học cùng lớp thời A0 với Ngô Bảo Châu kể lại: Châu và ba bạn trai Hà Nội
không vào ký túc xá (dành cho học sinh tình xa), đạp xe rất nhanh và còn điệu
nghệ nữa. Ngày nào cũng đạp đi 10 km, đạp về 10 km trên tuyến Hà Nội - Hà Ðông,
qua khu Cao Xà Lá, hít thở cái mùi hăng hắc đặc trưng của ba nhà máy quyện vào
nhau. Buổi trưa, bốn cậu mang theo cơm do mẹ sửa soạn cho từ sáng sớm ra ăn.
Khẩu phần thường là một cặp lồng cơm to nén chặt khoảng năm, sáu bát, một quả
trứng vịt rán và một quả cà chua sống, ăn thay rau. Thế mà đã bị các bạn ở nội
trú cho là ăn như... 'tư sản'!
Anh bạn kể tiếp:
- Tôi còn nhớ, thầy Nguyễn Văn Mậu, trước khi lên đường đi bảo vệ luận án tiến
sĩ khoa học ở Ba Lan, dạy cho lớp chúng tôi - trong đó tất nhiên có Ngô Bảo Châu
- bốn buổi về lượng giác, mỗi buổi hai giờ, trong mùa hè 1986, sau khi đã có kết
quả đỗ vào lớp 10 Khối A0. Chỉ bốn buổi thôi, nhưng thầy đã thâu tóm tất cả
chương trình lượng giác bậc trung học phổ thông...
GS. Ngô Bảo Châu nhắc lại một kỷ niệm về thầy Phạm Văn Hùng trong thời gian học
ở Khối A0:
'Tôi đến học thầy trong căn buồng 8 m2, lúc nào cũng nghi ngút mùi thuốc bắc vì
thầy hay đau ốm. Nhưng thù lao duy nhất thầy Hùng nhận từ bố mẹ tôi đôi khi chỉ
là cân đường, là vỉ thuốc bổ'.
Tháng 10-2010, gặp lại tôi, cô giáo dạy văn Ðặng Thanh Hoa, nguyên Phó chủ nhiệm
Khối A0, cho biết:
- Ngay từ khi còn là học sinh, Châu đã là một con người hài hòa, phát triển toàn
diện, xuất sắc về toán, đồng thời lại giỏi văn, đối nhân xử thế thể tất nhân
tình, được lòng thầy, bạn, biểu hiện phong thái của một người Hà Nội gốc. Sau
bao nhiêu năm, đi qua bao nhiêu nước, tính cách của Châu vẫn thế, không hề thay
đổi, vẫn khiêm nhường, đúng mực, tinh tế, chân tình. Châu thích sống 'ẩn dật' để
làm toán, coi việc phải trả lời báo chí là một 'hệ lụy bất đắc dĩ phải làm'!
Trầm ngâm giây lát, cô nói thêm:
- Nếu Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, GS. Tạ Quang Bửu, GS Lê Văn Thiêm còn sống đến hôm
nay, được chứng kiến việc Ngô Bảo Châu được tặng Huy chương Fields, thì chắc các
vị ấy sung sướng lắm đấy...
Khối A0 đã được Nhà nước ta tặng danh hiệu Ðơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi
mới, và Huân chương Ðộc lập.
Theo GS. TSKH Ngô Huy Cẩn, người cha của Ngô Bảo Châu, thì thời kỳ học phổ thông
ở Hà Nội đã vun đắp cho Châu một cái 'gốc vững' để rồi về sau, sang Pháp, sang
Mỹ, đơm hoa, kết trái tốt tươi.
Hàm Châu
hamchau2007@gmail.com
|