Ngài Roman Iwaszkiewicz, Đại sứ Cộng hoà Ba Lan
đã có thâm niên công tác trong lực lượng không quân của Quân đội Ba Lan với quân
hàm Trung tướng. Theo Ngài nói thì việc trở thành Nhà ngoại giao cũng rất tình
cờ. Đang công tác ở Bộ Quốc phòng Ba Lan thì Tổng thống bổ nhiệm làm Đại sứ ở
Bắc Triều Tiên. Sau đó Ngài được tiếp tục bổ nhiệm làm Đại sứ Ba Lan tại Việt
Nam. |
Ngài Roman Iwaszkiewicz |
Trong gần 15 tháng vừa qua kể từ khi đặt chân
đến Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ công tác, Ngài Đại sứ với tác phong của một quân
nhân, nhanh nhẹn, khẩn trương, trách nhiệm, Ngài đã có nhiều cuộc tiếp xúc với
các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, các Bộ, ngành ở Trung ương và các địa
phương. Mối quan tâm ưu tiên của Ngài Đại sứ là làm sao để trong nhiệm kỳ công
tác của mình ở Việt Nam sự hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan đuợc nâng lên một tầm
cao mới tương xứng với tiểm năng của hai nước vốn có mối quan hệ hữu nghị và hợp
tác truyền thống hơn 60 năm kể từ khi Việt Nam và Ba Lan thiết lập quan hệ
ngoại giao vào năm 1950.
Ngài Roman Iwaszkiewicz làm việc với Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng
Chúng tôi có may mắn được thường xuyên làm việc
với Ngài Đại sứ và Ngài cũng luôn mong muốn Hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan là
chỗ dựa tin cậy để cùng Đại sứ quán Ba Lan phối hợp tổ chức các sự kiện nhằm
tăng cường sự giao lưu văn hoá, hợp tác khoa học – công nghệ, giáo dục – đào
tạo, trao đổi thương mại giữa hai nước Việt Nam và Ba Lan. Có thể thấy là trong
vòng 15 tháng vừa qua đã có nhiều đoàn cấp cao của Nhà nước Ba Lan sang thăm
Việt Nam : Đoàn của Bộ Nông nghiệp, Đoàn của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ
Môi trường, các Đoàn của Quốc Hội Ba Lan và đặc biệt trong tháng 9 năm 2010 Thủ
tướng Ba Lan Donald Tusk đã sang thăm chính thức Việt Nam. Nhiều đoàn doanh
nghiệp Ba Lan cũng đã đến Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư, giới thiệu sản phẩm
trong các lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, chế biến nông sản, khai thác khoáng
sản, xử lý chất thải đô thị và khu công nghiệp…Trong lĩnh vực văn hoá, nhân kỷ
niệm 200 năm ngày sinh của Nhạc sĩ F. Chopin trong năm 2010 đã có nhiều hoạt
động âm nhạc được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội nhân sự kiện này. Công chúng
Việt Nam yêu âm nhạc cổ điển đã có dịp được thưởng thức các kiệt tác của
F.Chopin do các nghệ sĩ tài năng của Ba Lan biểu diễn. Các Trường đại học hàng
đầu của Ba Lan cũng đã sang Việt Nam để quảng bá chương trình đào tạo và du học
Ba Lan… Có thể nói tất cả những hoạt động sôi nổi vừa qua có nhiều công sức
của Ngài Đại sứ Roman Iwaszkiewicz.
Ngài Đại sứ rất coi trọng hoạt động của Hội hữu
nghị Việt Nam – Ba Lan, trong tổ chức các sự kiện, các buổi chiêu đãi không
khi nào Đại sứ quên việc mời đại diện lãnh đạo Hội tham gia. Ngài thường nói với
chúng tôi là tôi có may mắn được công tác tại Việt Nam vì ở đất nước này hầu như
khi nói đến Ba Lan là người dân đều thể hiện tình cảm thân thiết, quý mến và
hơn nữa tại Việt Nam chúng tôi có chỗ dựa là Hội Hữu nghị Việt Nam – Ba Lan với
gần 5000 người đã được Ba Lan đào tạo trong các trường đại học và hơn 3500 nguời
đã có thời gian thực tập tại các nhà máy, hầm mỏ… của Ba Lan.
Đã từng là một quân nhân nên khi đến Việt Nam,
Đại sứ rất muốn tiếp xúc với các cựu học viên quân sự Việt Nam đã từng học tập
tại các Trường quân sự Ba Lan. Vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày Miền Nam hoàn toàn
giải phóng 30/4/2010, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã mời nhiều bè
bạn quốc tế đã có nhiều công lao đóng góp, ủng hộ giúp đỡ Việt Nam trong cuộc
kháng chiến giải phóng dân tộc sang thăm Việt Nam, Đoàn Ba Lan có 3 người đã
từng tham gia trong Uỷ ban giám sát quốc tế về thi hành Hiệp định Geneva năm
1954 ở Đông Dương và Hiệp định Pa ri năm 1973 về Việt Nam. Hội hữu nghị Việt Nam
– Ba Lan đã tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các cựu học viên quân sự Việt Nam với đoàn.
Hôm đó các cựu sinh viên quân sự Việt Nam với lễ phục và quân hàm cấp tá, cấp
tướng lấp lánh đã tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với các thành viên trong đoàn và Đại
sứ. Ông nói, chúng tôi rất đỗi tự hào vì đã góp phần nhỏ bé trong đào tạo cho
Việt Nam các sĩ quan và họ đã trưởng thành trong các quân, binh chủng, nhà
trường quân sự.
Là tướng không quân, Đại sứ rất muốn gặp mặt Anh
hùng Phạm Tuân - Nguời đã bắn rơi máy bay B 52 của không lực Hoa Kỳ trong chiến
dịch Điện Biên Phủ trên không vào cuối năm 1972 đồng thời cũng là nhà du hành vũ
trụ đầu tiên của Việt Nam và Châu Á. Rồi dịp đó cũng đã được thực hiên. Vợ chồng
Anh hùng Phạm Tuân đã đến thăm Đại sứ tại nhà riêng. Đáp lại, vào dịp kỷ niệm 50
năm ngày Nhà du hành vũ trụ I.Gagarin của Liên Xô trước đây bay vào vũ trụ (
12/4/1961 – 12/4/2011 ), Trung tướng Phạm Tuân đã mời Đại sứ và Phu nhân đến
thăm nhà riêng của mình tại Hà Nội. Hai vị tướng nói chuyện với nhau bằng tiếng
Nga rất thoải mái và thân tình. Hai vị chia sẻ với nhau về những kỷ niệm của
cuộc đời quân ngũ, những nét tương đồng trong nghiệp nhà binh. Các ông cũng bày
tỏ lòng mong muốn có sự hợp tác giữa quân đội của hai nước trong các lĩnh vực
quân sự đặc biệt là chuyển giao công nghệ trong công nghiệp quốc phòng. Hai vị
tướng đều đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn còn tráng kiện và sức uống cũng phi thường.
Được chứng kiến cuộc gặp mặt thân tình giữa vị tướng của Quân đội – Nhà ngoại
giao Ba Lan và Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân lòng chúng tôi dào dạt niềm vui
vì mặc dù xa cách về địa lý, ngôn ngữ nhưng giữa họ vẫn hoà chung một tình cảm
thân thiết, hữu nghị, nghĩa tình như thể anh em./.
Hội Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan,
Hà
Nội, ngày 14/12/2011
|