Cuối tháng 8 năm 1965, chúng tôi rời
Hà Nội trên một chuyến tàu liên vận quốc tế lên đường sang các nước
bạn ở Đông Âu để học tập. Mỗi người ra đi đều có những tâm trạng
khác nhau. Háo hức, vui mừng vì được Nhà nước cử ra nước ngoài học
tập nhưng cũng day dứt vì miền Bắc đã bước vào cuộc chiến đấu chống
chiến tranh phá hoại của quân xâm lược. Hàng ngày, máy bay Mỹ đã ném
bom xuống nhiều địa phương ở miền Bắc gây nên bao tổn thất về người,
tàn phá nhiều thành phố, thị xã, làng xóm… Ban bè cùng trang lứa với
chúng tôi đã lên đường chiến đấu, có người đã ngã xuống trên trận
địa… Lẽ ra mình cũng phải đứng trong đội ngũ lên đường ra mặt trân
cầm súng chiến đấu chống quân thù. Thế mà đường chúng tôi đi lại
ngược với đường ra mặt trận.
Chuyến tầu liên vân quốc tế chở gần
500 lưu học sinh và nghiên cứu sinh rời ga Hàng Cỏ vào chiều thu
tháng 8 năm 1965 ấy với bao lưu luyến của những người tiễn đưa. Dẫu
biết rằng họ sẽ đi đến một nơi bình yên để học tập nhưng trong khoé
mắt của những người thân vẫn đọng những giọt nước mắt vui buồn lẫn
lộn…
Tạm biệt Hà Nội, con tàu đưa chúng
tôi lao trong đêm hướng về biên giới Việt – Trung…Rạng sáng hôm sau,
chúng tôi có mặt tại ga Bằng Tường Trung Quốc, sân ga thoáng rộng và
lanh lảnh tiếng hát Hoa ngữ một âm điệu vui rộn ràng mà sau này
chúng tôi được biết đó là bài hát “Công xã là hoa hướng dương…”. Sau
khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh, chúng tôi chuyển sang tàu hoả của
đường sắt Trung Quốc to rộng, hiện đại với các nhân viên phục vụ
chuyên nghiệp và nhiệt tình. Tàu chạy đưa chúng tôi xuyên suốt qua
các địa danh của đất nước Trung Hoa mênh mông: Vũ Hán, Trường Giang,
Bắc Kinh, Thiên Tân, Trường Xuân, Mãn Châu Lý… Tại biên giới Trung –
Xô chúng tôi chuyển sang tàu của hoả của Liên Xô và tiếp tục đi qua
Xibêri với hồ Baican, rừng Taiga hùng vĩ. Sau 10 ngày lắc lư theo
nhịp chạy của các con tàu Trung Quốc và Liên Xô, chúng tôi đã đến
Matxcơva – Thủ đô của Liên bang Xô viết (trước đây). Tại đây chúng
tôi được đón tiếp nồng nhiệt bởi các cơ quan hữu quan của Liên Xô,
Đại sứ quán Việt Nam, các Lưu học sinh và Nghiên cứu sinh Việt Nam
tại Mat scơ va. Chúng tôi được bố trí nghỉ tại khách sạn Antai gần 2
ngày sau một chặng đường dài. Có thể nói tâm trạng của mỗi người đều
như mơ khi đuợc đặt chân trên Hồng trường lịch sử, được vào Lăng
viếng Lênin vĩ đại, thăm mậu dịch trung tâm GUM và CUM…là những nơi
mà trước đây chỉ được nhìn trên phim, ảnh hoặc nghe kể chuyện…
Sau mấy ngày nghỉ, Đoàn đi Ba Lan
tiếp tục lên đường sang nuớc bạn. Tháng 9 trời se lạnh, nắng vàng
óng ả. Tàu xuyên rừng bạch dương lá đã ngả màu vàng đỏ, thấp thoáng
những căn nhà gỗ truyền thống Nga ẩn mình trong không gian thanh
bình… Ai đó ngâm nga: “Em ơi! Ba Lan mùa tuyết tan… Đường bạch dương
sương trắng nắng tràn”.
Sáng sớm ngày 11 tháng 9 năm 1965,
tàu dừng bánh tại sân ga Vacsava, Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại
Ba Lan, Đại diện Bộ Giáo dục Ba Lan và các anh “năm cũ” (tôi còn nhớ
năm đó tại Vacsava có các anh Thự, Thái, Phan Sinh và Đích) đều có
mặt, ùa đến tay bắt mặt mừng những lưu học sinh (LHS) mới đến từ
trong nước. Thế là chúng tôi đã đặt chân trên đất nước của F.
Chopin, M. Kopernik, Maria Curie – Sklodowska…
Đoàn LHS năm 1965 được chia làm 3 đơn
vị để đến các thành phố Lodz, Krakow và Wroclaw học tiếng Ba Lan
trước khi vào đại học. Tôi được đến Krakow – kinh đô xưa của nước
Ba Lan, trong tôi lại vang vẳng mấy câu thơ của Tố Hữu: “Anh đã đến
quê em, Krakow… Như quê anh lỗng lẫy cung đền…”. Đơn vị của chúng
tôi có 60 người đều sàn sàn độ tuổi mười tám, đôi mươi, có độ 10
người là cán bộ đi học nhưng cũng chỉ xấp xỉ dưới 30 tuổi. Năm đó,
để đáp ứng nhu cầu của Việt Nam, Bộ Giáo dục Ba Lan đã mở thêm hai
Trung tâm dạy tiếng Ba Lan tại Krakow và Wroclaw, đơn vị Krakow chia
thành 4 lớp và chúng tôi được học tiếng Ba Lan tại Đại học Tổng hợp
Jagiellonski – Nhà trường đã có lịch sử trên 600 năm thành lập, trường
đại học lâu đời nhất ở Châu Âu. Năm đó Ba Lan đã hồi phục sau 20 năm
của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, nhưng trong ký ức của
chúng tôi, Ba Lan đã là một đất nước phát triển, đời sống của nhân
dân được đảm bảo các nhu cầu của đời sống, thực phẩm, hàng hoá nhiều
và phong phú, môi trường trong lành, sạch đẹp, xã hội văn minh,
người dân lịch sự, cởi mở với người nước ngoài…
Sau những ngày nghỉ ngơi và khám lại
sức khoẻ, chúng tôi bước vào học tập. Vào thời kỳ đó, do nhu cầu đột
xuất, Trường Đại học Tổng hợp Jagiellonski đã bố trí một đội ngũ
giáo viên ngôn ngữ và tự nhiên để dạy chúng tôi tiếng Ba Lan và ôn
lại chương trình Toán, Lý, Hoá. Thầy không biết tiếng Việt, trò
không hiểu tiếng Ba Lan. Chúng tôi đánh vật với ngôn ngữ mới với
danh từ giống đực, giống cái, giống trung… rồi chia động từ, biến
đổi giống và số theo 7 cách trong ngữ pháp của tiếng Ba Lan. Hồi đó,
chúng tôi đều ý thức được trách nhiệm của mình trong học tập, không
ai ngủ trước 12 gìờ đêm, nằm trên giường vẫn lẩm nhẩm ôn lại các từ
mới học. Các thày giáo cô giáo Ba Lan rất trẻ trung có lẽ chỉ hơn
chúng tôi vài tuổi nhưng thật tuyệt vời về lòng nhiệt tình và trách
nhiệm với sinh viên Việt Nam, chúng tôi nhớ mãi và biết ơn các thày
Tadeusz Szyma, Andrzej Spyt và các thầy cô khác đã tận tâm dạy dỗ,
chăm sóc chúng tôi trong học tập và sinh hoạt.
Thấm thoắt đã hết khoá học tiếng kéo
dài 9 tháng, từ những ngày đầu chưa có khái niệm về tiếng Ba Lan,
sau khoá học hầu hết chúng tôi đã có thể giao tiếp thông thường với
người dân Ba Lan. Đã không ít lời ca ngợi thực lòng: “Ladnie mowi
pan po polsku!”. Chúng tôi nhận chứng chỉ tốt nghiệp khoá tiếng Ba
Lan và được phân về các thành phố như Warszawa, Gdansk, Wroclaw,
Poznan, Lodz… để học đại học theo các ngành chuyên môn được Nhà nước
phân công. Tôi và 14 anh em khác được phân công ở lại Krakow theo
học tại Học viện Mỏ – Luyện kim Krakow (AGH). Tháng 10 năm 1966,
chúng tôi chính thức là sinh viên năm thứ nhất của Học viện AGH
theo học ngành cơ khí mỏ và luyện kim màu. Giờ đây, nhớ lại quãng
thời gian đó mặc dù đã gần 50 năm trôi qua nhưng trong tâm trí tôi
vẫn hiện lên rõ nét những ký ức của nhiều ngày tháng miệt mài đèn
sách, những kỳ thi căng thẳng, những đợt thực tập dưới hầm mỏ than,
trong nhà máy cơ khí, những đêm thức trắng bên đồ án môn học… có hôm
vừa rời giá vẽ bản thiết kế nhìn ra ngoài trời bình minh đã rạng,
bầu trời trong vắt, lấp lánh những tia nắng vàng rực rõ hoặc một màu
trắng xoá của lớp tuyết rơi dày đặc trong đêm.
Những năm tháng học tập tại Ba Lan đã
để lại trong tâm trí chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp không thể phai mờ.
Có thể nói cả tuổi thanh xuân chúng tôi đã được sống trên đất nước
Ba Lan tươi đẹp với những ngưòi dân giàu lòng nhân ái, đôn hậu và
trong tình cảm ấm áp, gần gũi, sự giúp đỡ chân tình của các giáo sư,
cán bộ giảng dạy nhà trường, bạn bè Ba Lan cùng học. Học viện AGH là
Trường đại học công lập kỹ thuật hàng đầu của Ba Lan có đẳng cấp
quốc tế vì vậy các thế hệ người Việt Nam theo học tại đây được đào
tạo rất cơ bản các kiến thức nhờ đó mà sau này trở về nước công tác
họ đã được đánh giá cao về trình độ chuyên môn, nhiều người đã
trưởng thành nhanh chóng. Chúng tôi cũng có may mắn được sống tại
một đất nước có truyền thống văn hoá, nghệ thuật và khoa học vì vậy
còn học được thêm các kiến thức về văn hoá, xã hội, lịch sử, nghệ
thuật cũng như nét văn minh, phong cách sống của người Ba Lan, một
dân tộc có truyền thống kiên cường trong quá trình lịch sử phát
triển… Mỗi người đều có những kỷ niệm riêng, những cảm nhận của mình
trong suốt thời gian sống trên đất nước bạn nhưng có thể nói rằng
tất cả những ai đã sống, học tập tại Ba Lan đặc biệt vào những thập
kỷ 60, 70 của thế kỷ trước đều chung một tình cảm biết ơn sâu sắc
đối với nhân dân Ba Lan.
Tôi còn nhớ vào thời kỳ đó cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta được nhân dân tiến bộ, yêu
chuộng hoà bình trên toàn thế giới quan tâm, ủng hộ. Hàng ngày tin
chiến sự ở Việt Nam đều được các tờ báo trung ương và địa phương tại
Ba Lan đăng tải. Chúng tôi tìm đọc và qua đó biết tin tức ở quê nhà
và mặt khác nhờ đọc báo mà trình độ tiếng Ba Lan cũng dần được nâng
cao. Hồi đó, anh em chúng tôi được các tầng lớp xã hội Ba Lan mời
đến nói chuyện về Việt Nam, đặc biệt là các Trường học luôn là địa
chỉ mà chúng tôi thường xuyên có các buổi giao lưu gặp mặt. Trong
các buổi tiếp xúc với ngươì dân Ba Lan nhất là lớp ngưòi cao tuổi đã
trải qua chiến tranh, chúng tôi thấy họ rất quan tâm đén tình hình
chiến tranh ở Việt Nam, họ hỏi rất nhiều về cuộc sống, gia đinh,
phong tục tập quán, lịch sử của Việt Nam, họ bày tỏ sự thông cảm,
chia sẻ với chúng ta về những khó khăn gian khổ đang gặp phải trong
cuộc chiến tranh khốc liệt… Chúng tôi đã đến nhiều địa phương ở phía
Nam Ba Lan như Katowice, Zakopane, Rzeszow, Nowy Sad, Tarnow,
Kielce… ở đâu chúng tôi cũng được đón tiếp thân tình, nồng hậu.
Đối với tôi, ấn tượng sâu đậm nhất có
lẽ là tình cảm của những người dân Ba Lan bình thường mà hàng ngày
mình tiếp xúc như bà thường trực nhà ở sinh viên, người phục vụ điện
nước, các nhân viên thư viện, người bán hàng thực phẩm… Các bà
thường trực nhà sinh viên thường đã nghỉ hưu, họ làm thêm công việc
thường trực để có thêm thu nhập. Nhóm sinh viên chúng tôi khi bước
vào năm thứ nhất được bố trí ở Block 4 Làng sinh viên, đây là một
quần thể các nhà ở sinh viên, khu thể chất, dịch vụ, vui chơi giải
trí khép kín và hiện đại nhất dành cho sinh viên của TP. Krakow. Có
lẽ là lần đầu tiên được tiếp xúc với người Việt Nam, mà theo sự hiểu
biết của các bà, Việt Nam là nơi đang có chiến tranh khốc liệt như
Ba Lan trong chiến tranh thế giới lần thứ hai nên họ luôn dành cho
chúng tôi những tình cảm ân cần, thân thiết như người Mẹ hiền ở quê
nhà. Biết chúng tôi mong chờ thư của người thân từ trong nước, các
bà đã cất giữ cận thận những bức thư từ Việt Nam gửi sang và trao
tận tay cho người nhận. Ngày ấy, Đoàn LHS thường tổ chức sinh hoạt
chính trị vào các ngày nghỉ và nhiều khi họp hành rất khuya khi trở
về nhà sinh viên thường quá giờ quy định nhưng các bà vẫn vui vẻ mở
cửa và không quên chúc chúng tôi Dobranoc - Chúc ngủ ngon! Vào thời
kỳ đó, trong bản tin thời sự lúc 19h của Vô tuyến truyền hình Ba Lan
thưòng có tin chiến sự ở Việt Nam. Tuy đứng trong buồng thường trực
nhưng các bà vẫn chú ý lắng nghe tin tức từ Việt Nam và hỏi chúng
tôi về tình hình gia đình, về quê hương nơi chúng tôi có người thân
rằng ngày hôm đó có bị máy bay Mỹ ném bom không? Sự quan tâm của họ
đã làm chúng tôi vô cùng xúc động, các bà thường tâm sự là lứa tuổi
của họ đã trải qua chiến tranh nên rất hiểu và chia sẻ, thông cảm
với các bạn Việt Nam. Tôi thường xuyên nói chuyện với các bà để trau
dồi thêm tiếng Ba Lan vì vậy có được sự thân tình, gần gũi… Thấp
thoáng thấy bóng tôi ngoài khung cửa nếu có thư từ Việt Nam đến là
các bà đã cầm sẵn trong tay và vui vẻ trao cho: “ Ma pan list z
rodziny“ – Anh có thư từ gia đình, và không quên dặn nếu có tin tức
gì vui buồn ở quê nhà nhớ kể lại cho các bà biết. Trong số các bà
thường trực ở Block 4, tôi thân nhất với bà Monika, bà có khuôn mặt
thật là phúc hậu, lúc nào cũng ân cần, lịch sự. Có hôm bà còn giúi
vào tay tôi ổ bánh ngọt thơm lừng do tự tay bà nướng và bảo anh hãy
thử ăn bánh của tôi làm có ngon không? Tôi biết bà đã coi tôi như
người thân và muốn dành cho tôi tình cảm của người mẹ Ba Lan thay
cho bà mẹ Việt Nam ở nơi xa xôi… Giờ đây khi viết những dòng này
trong tâm trí tôi vẫn hiện rõ nét khuôn mặt các bà mẹ Ba Lan làm
công việc thường trực nhà sinh viên nơi chúng tôi sinh sống gần 6
năm trời: Bà Monika hồn hậu, bà Krystyna dong dỏng cao vui tính, bà
Jadwiga nghiêm khắc tưởng như khó gần nhưng đối với sinh viên Việt
Nam lúc nào cũng nhiệt tình, vui vẻ. Những năm sau này khi có dịp
quay lại Krakow tôi đều dành thời gian về thăm lại chốn xưa nơi đã
sống để tìm lại những người quen biết… Đâu rồi những cụ bà đôn hậu
làm công việc thường trực? Nơi kia có phải trước đây là cửa hàng
thực phẩm nhỏ mà mỗi ngày thứ bảy mình vẫn vào mua rau quả, thực
phẩm về nấu ăn? Cảnh sắc nơi chúng tôi đã sống có quá nhiều thay đổi
theo năm tháng nhưng ký ức cứ hiện về dào dạt… Những người Ba Lan
bình thường, giản dị nhưng tấm lòng của họ đối với sinh viên Việt
Nam thật ấm áp, thân tình. Thời đó không thể nào quên trong sâu thẳm
trái tim của những sinh viên Việt Nam chúng tôi về sự giúp đỡ quý
báu của Ba Lan, nơi họ được các Trường đại học đào tạo thành những
người có kiến thức khoa học – kỹ thuật.
Giờ đây, với sự thay đổi của thời
gian có thể tình cảm của ngưòi Ba Lan đối với cộng đồng người Việt
tại Ba Lan có khác đi theo cơn lốc của nền kinh tế thị trường nhưng
đối với thế hệ chúng tôi tuy tóc đã điểm bạc vẫn nhớ về một thời mà
tình người thật nồng ấm.
Để kết thúc những hoài niệm này, với
lòng biết ơn chân thành nhất đối với nhân dân Ba Lan, xin được nói
bằng tiếng Ba Lan: “Dziekujemy Tobie, Polsko!” - Chúng tôi xin cám
ơn Người, Ba Lan ơi!
Hà
Nội, ngày 23/5/2012
|