NGƯỜI BA LAN VÀ TỤC “HÁI LỘC”
Mạc Việt Hồng (Warszawa)
Tầm
gửi được bán trên đường phố trong dịp cuối năm ở Ba Lan
Người Ba Lan có hái lộc không?
Câu trả lời là có. Phong tục này diễn ra ở Ba Lan vào thời khắc cuối năm, nói
đúng ra là trước lễ Giáng sinh.
Mùa đông Ba Lan khắc nghiệt, cây cối trơ trụi, nên “lộc” mà người Ba Lan
thường dùng là cây Tầm gửi, tiếng Ba Lan là Jemioła (Anh ngữ, theo nhà thông
thái Google là Mistletoe!). Tuy nhiên Tầm gửi là tên gọi chung của tất cả các
loài thực vật sống ký sinh trên một cây chủ mà các loại Phong lan cũng thuộc
giống này.
Jemioła dùng ở Ba Lan là loại Tầm gửi đặc trưng của xứ lạnh, chúng có thể tươi
tốt, thậm chí ra hoa kết trái ngay cả khi nhiệt độ xuống -40 độ C. Chính đặc
tính này, nhiều người tin rằng, đây là lộc trời, là quà tặng của Chúa.
Jemioła là những chùm tròn tròn, trông xa như những tổ chim trên các cành cây.
Mùa hè rất khó nhìn thấy, vì chúng lẫn trong lá cây; nhưng mùa đông, khi các “cây
mẹ” phải trút hết lá, phải “thắt lưng buộc bụng” để tồn tại qua giá
lạnh, thì những khóm Tầm gửi vẫn bám rất chắc vào các cành cây, vẫn xanh tươi
mơn mởn, vẫn “phè phỡn” đâm chổi nẩy lộc.
Tầm gửi là một tai họa cho ngành nông nghiệp. Người trồng cây ăn quả rất sợ loại
thực vật ăn bám này, chúng sinh sôi nẩy nở nhanh, lan từ cây này qua cây khác,
hút hết chất dinh dưỡng, có thể khiến cây mẹ bị chết, hoặc ra trái với chất
lượng thấp kém.
Chính vì vậy, cũng có những ý kiến nói, tập tục “hái lộc” xuất phát từ
việc diệt trừ cây Tầm gửi của người nông dân từ thời Cổ đại.
Truyền thống Giáng sinh
Giống như mọi truyền thống, tranh cãi về cây Tầm gửi đến nay không có hồi kết.
Nhưng bất kể tin hay không tin, người Ba Lan thường hái, hoặc tiện hơn là mua
một cành Tầm gửi vào trước ngày Giáng sinh.
Bên cạnh cây thông, Jemioła được bày bán khắp nơi vào dịp lễ lớn nhất này; bên
vệ đường, ở góc phố đông người qua lại, ở các quảng trường và thậm chí mấy năm
gần đây trong các siêu thị. Vì không phải trồng, mà chỉ việc đi cắt, nên giá cả
hết sức bình dân, từ 1 tới 5 Euro một cành. Nhà nước không cấm cản, thậm chí còn
khuyến khích người dân cắt chúng, miễn sao đảm bảo được an toàn.
Cắt Jemioła không phải dễ. Loài tầm gửi khôn ngoan này thường mọc trên những cây
cao vút, cần có thang chuyên dụng. Nhưng đây cũng là dịp “kiếm ăn” tốt
của những nhà nông hay của những người không ngại độ cao và muốn có thêm chút
tiền tiêu vặt.
Những cành Tầm gửi có nhiều hoa thường được ưa chuộng hơn và giá đắt hơn. Hoa
tầm gửi tròn, mầu trắng đục, trông khá đẹp mắt, như những viên ngọc trai.
Minh
họa: linia.com.pl
Người Ba Lan có nhiều cách để treo “cành lộc” này. Thông thường nhất là
treo dưới chùm đèn chính trong nhà, trên bàn tiệc Giáng sinh và gia chủ nâng ly,
cùng chúc một mùa Giáng sinh an lành, hạnh phúc. Nhưng cũng có thể treo nó ở bất
kỳ góc cao nào trong nhà, ở trên cửa ra vào, trên thanh treo rèm cửa, trong bếp
hoặc đặt trên lò sưởi.
Vì tin vào sự linh thiêng của Tầm gửi, người ta cũng tránh đặt nó xuống đất. Từ
khâu cắt trên cây, đem vào nhà, treo lên trần đều không được để cho cây chạm
đất.
Những đôi trai gái tin rằng, nụ hôn dưới cành Tầm
gửi sẽ cho họ một tình yêu vĩnh cửu, vượt qua được mọi khó khăn
thử thách. Người yếu bóng vía tin, Tầm gửi có thể xua đuổi tà ma. Từ việc đâm
hoa kết trái giữa mùa đông giá lạnh, người ta cho rằng, treo Jemioła giúp các
cặp đôi hiếm muộn sớm thực hiện được mơ ước.
Các thương nhân tin rằng, Jemioła cũng biểu tượng cho tài lộc hay sự no ấm.
Chính vì vậy, một số người cũng đem nó tới cửa hàng, công ty hay nơi làm việc.
Điều đặc biệt, loại Tầm gửi này không bị héo úa hay gẫy hỏng sau khi cắt khỏi
cây mẹ. Chúng chỉ chuyển nhẹ sang mầu vàng và hầu như không bị rụng lá. Vì vậy,
đa số người Ba Lan treo chúng trong nhà cả năm và chỉ hạ xuống vào mùa Giáng
sinh sau, khi thay thế bằng một cành mới.
Người ta cũng đặc biệt kiêng kỵ việc vứt “cành lộc” vào thùng rác. Nếu
không muốn giữ chúng cả năm trong nhà, thì vào ngày lễ Ba Vua (6-1) hàng năm có
một phong tục khác, đó là “hóa vàng” những cành tầm gửi đã treo trong lễ
Giáng sinh. Có thể đốt trong lò sưởi, cũng có thể đốt bằng bất kỳ hình thức nào
khác.
Có một lưu ý quan trọng - cũng như hoa hồng đẹp thường có gai - biểu tượng của
tình yêu vĩnh hằng rất độc. Tất cả các bộ phận của nó từ lá, cành cho tới quả
đều chứa độc tố; đặc biệt là quả, nên cần tránh cho trẻ con đụng vào. Bác sĩ
khuyên, cần đi tới bệnh viện, nếu lỡ nuốt phải quả này, chúng có thể gây chóng
mặt, buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn tim, suy hô hấp.
Mùa Giáng sinh đang cận kề, hãy kiếm một cành Tầm gửi và gửi gắm vào đó những
lời chúc tốt lành hay những mong muốn thầm kín nhất.
Mạc
Việt Hồng,
từ Warszawa
|