Trân trọng kính mời bạn bè yêu thơ cùng toàn thể thành viên
CLB yêu văn thơ tại Ba Lan đến dự buổi KN 20 năm ngày thành lập CLB Thơ tại
BL và ra mắt tập thơ
"Tâm tư bên dòng Wisła"
Thời gian: 18h00, CN-28/4/2019
Địa
điểm: NH LiLi, al. Jerozolimskie 123A, Warszawa
(Nội dung chi tiết được ghi trong giấy mời)
Rất hân hạnh được đón tiếp quí vị !
Để việc tổ chức được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, xin đề nghị các bạn thơ đến tham dự vui lòng đăng ký trước. Trân trọng cảm ơn.
Liên hệ:
+ Phương Lý số - 729 589 889
+ Nguyễn Văn Thái - 880 640 544
Lời giới thiệu tập thơ "Tâm tư bên dòng Wisła"
Năm 1952 những sinh viên Việt Nam đầu tiên đã có mặt bên dòng Wisła và đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX hàng loạt lưu học sinh, thực tập sinh, nghiên cứu sinh và công nhân thực tập Việt Nam đã được gửi sang Ba Lan đào tạo. Từ đó đã hình thành thế hệ đầu tiên của cộng đồng người Việt tại Ba Lan.
Sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở các nước Đông Âu và Liên Xô cũ cùng với chính sách đổi mới, mở cửa của Việt Nam là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành cộng đồng người Việt tại Ba Lan, Séc, Đức, Nga, Ucraina, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri v.vv... vào những năm đầu thập niên 90.
Trong vốn liếng mà người Việt xa xứ mang theo không chỉ có những phẩm chất quý báu như đức tính cần cù, chăm chỉ, nghị lực chịu đựng gian khổ, tình yêu đối với quê hương mà còn có cả tình yêu đối với thơ ca. Dường như ở đâu có người Việt thì ở đó có thơ. Ở Ba Lan, đất nước giàu truyền thống thi ca và âm nhạc, đất nước của Adam Mickiewicz và Fryderyk Chopin, tình yêu đối với thơ của người Việt lại càng được chấp cánh bay cao.
Ngày 24 tháng 4 năm 1999 Câu lạc bộ Thơ của người Việt tại Ba Lan đã được thành lập với số thành viên dè dặt chỉ hơn mười lăm người. Những người sáng lập CLB Thơ bao gồm Lê Xuân Lâm (Vũ Linh), Nguyễn Đình Dũng (Lâm Quang Mỹ), Lê Huy Thọ (Thiên Nam), Nguyễn Văn Thái, Lê Nhị Hồng, Bùi Huy Phác, Lê Viết Dục, Trà My và đặc biệt là nhà thơ, đại sứ Tạ Minh Châu cùng một số bạn trẻ. Đêm thơ đầu tiên đã được tổ chức ngày 8 tháng 5 năm 1999 tại nhà hàng Đông Nam với sự tham gia của hơn ba mươi người. Từ đó về sau những đêm thơ đã thường xuyên được tổ chức với sự góp mặt của đông đảo người yêu thơ, có đêm thơ quy tụ đến hai trăm người. Họ đến để cảm nhận cái đẹp của thơ ca và cũng là cái đẹp của cuộc đời.
Ngoài sinh hoạt đêm thơ, các bạn yêu thơ còn gửi bài đăng trên tờ Quê Việt, tờ báo cũng ra đời cuối tháng 4 năm 1999 (với cái tên ban đầu là Bản tin). Qua các đêm thơ và qua trang Quê Việt có thể nhận thấy một hiện thực là ở Ba Lan có rất nhiều người làm thơ và nhiều bài thơ xứng đáng là những bài thơ thứ thiệt. Đằng sau cuộc sống vất vả cay cực nơi quê người vẫn có những con người âm thầm vật lộn với trang viết. Có lẽ phần lớn các cây bút này không quan niệm thơ như phương tiện cầu danh, chỉ đơn giản làm thơ là nhu cầu tự thân, tự giải tỏa những ý nghĩ và tình cảm của mình trước cuộc sống xa xứ. Rồi như những tri ân tri kỷ, họ tìm đến nhau để thổ lộ lòng mình.
Những tác giả tham gia vào các đêm thơ khá đông đảo: Thiên Nam, Vũ Linh, Lâm quang Mỹ, Nguyễn Văn Thái, Bùi Huy Phác, Nhị Hồng, Lan Hải Thu Quỳnh, Lâm Hải Phong, Lê Viết Dục, Lợi Hồng Diệp, Minh Ngọc, Nguyễn Duy Phúc, Nguyễn Đình Thái, Thanh Hiên, Trần Hoài Văn, Trực Chấp, Văn Thành Hưng, Đào Anh Thắn, Trà My v.v...
Cho đến nay vai trò chủ tịch CLB Thơ do những người sau đây đảm nhận: Vũ Linh, Lâm Quang Mỹ, Lâm Hải Phong, Lan Hải Thu Quỳnh và Phương Lý.
Tập thơ TÂM TƯ BÊN DÒNG WISŁA được xuất bản để kỷ niệm 20 năm thành lập CLB Thơ cúa người Việt tại Ba Lan. Tập thơ có sự tham gia của 29 cây bút đã từng gắn bó với CLB Thơ trong những năm qua.
Nội dung nói về cuộc sống, tâm tư tình cảm của người xa xứ, tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình, tình cảm đối với cha mẹ, ông bà, con cái, ca ngợi những phẩm chất cao quý của con người, những giá trị nhân văn và cái đẹp, lòng cảm mến và biết ơn đối với đất nước, con người Ba Lan – mảnh đất lành cho những cánh chim di trú. Đặc biệt được nói đến nhiều hơn cả, tha thiết hơn cả là nỗi nhớ quê hương xứ sở và tâm trạng day dứt, dằn vặt trước cảnh ngộ tha hương. Các cây bút người Việt tại Ba Lan phần lớn là những người làm thơ không chuyên. Họ vốn là cán bộ khoa học, nhà giáo, thương gia, người đã về hưu, người làm thuê.., trong đó có nhiều phụ nữ. Bên cạnh những tác giả đã quen biết đối với cộng đồng như Tạ Minh Châu, Lâm Quang Mỹ, Nguyễn Chí Thuật, Thái Linh, Trực Chấp, Lâm Hải Phong, Lợi Hồng Diệp, Hoàng Trọng Hà, Thanh Hiên v.v..., trong tập thơ này còn có sự góp mặt của những cây viết mới khá ấn tượng như Nguyễn Thị Chung, Thu Hà, Tadek Tadek và nhiều cây viết khác.
Vì năng lực hạn chế, thời gian gấp rút nên việc tuyển chọn không tránh khỏi thiếu sót. Mong được quý độc giả và các tác giả lượng thứ.
Warszawa, 10/4/2019
Nguyễn Văn Thái