Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn dò TBT Hoàng Bình (thứ 3 từ
bên phải) về vai trò của tờ báo dành cho kiều bào trong sự nghiệp đoàn
kết và hòa giải dân tộc |
Những năm
giữa thập niên 70 của thế kỷ trước chúng tôi làm phiên dịch cho Đại sứ
quán Ba Lan tại Hà Nội. Ba Lan có vai trò đặc biệt trong các Ủy ban kiểm
soát và giám sát thi hành các Hiệp định Genève 1954 và Paris 1973 nên
thường có các cuộc tiếp xúc giữa Đại sứ và tùy viên quân sự của bạn với
các vị lãnh đạo ta. Đại sứ Ba Lan những năm đó nguyên là một kiều dân Ba
Lan ở Pháp, được đào tạo chính quy theo các tiêu chuẩn Pháp. Có lần ông
nói: trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Việt Nam có hai vị sử dụng
tiếng Pháp rất thần tình, đó là Thủ tướng và Đại tướng. Điều làm ông
khâm phục đến kinh ngạc là cả hai vị đều chỉ học tiếng Pháp ở Việt Nam trong
những năm 1920-30 nhưng tiếng Pháp hai vị dùng đều hiện đại và rất chuẩn!
|
Hai vị mà ông đại sứ
nói trong nhận xét trên là Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mặc dù vậy, khi hội đàm chính thức, Thủ tướng và Đại tướng đều nói tiếng Việt và
sử dụng phiên dịch! Trong tiếng Ba Lan, danh từ “general” là danh từ chung có
nghĩa là “sỹ quan cấp tướng”, muốn nói rõ thiếu tướng, trung tướng, thượng tướng
hay đại tướng phải thêm một từ bổ nghĩa nữa. Nếu chỉ nói “general” và không có
tên riêng thì không thể hiểu người được nói tới là ai. Tuy nhiên, các bạn Ba Lan
đã sử dụng danh từ “general” như một danh từ dành riêng cho Đại tướng Võ Nguyên
Giáp.
Hơn thế nữa, dường
như các bạn cũng kiêng nói tên húy như trong văn hóa truyền thống Việt Nam nên
không trực tiếp nêu tên Đại tướng. Danh từ chung “general” đã trở thành danh từ
riêng “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Mỗi lần thấy các bạn chỉnh trang tư thế và
trang phục trong tâm trạng phấn khích rồi nói “Idziemy do Generala!” (nghĩa là
“Chúng ta đi gặp Đại tướng!”), chúng tôi đều thấy tự hào và biết rằng sẽ có cuộc
gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với các bạn Ba Lan, Đại tướng của chúng ta
là huyền thoại, là nguồn cảm hứng cho tình cảm thân thiết và sự kính trọng! Đó
là một trong những trải nghiệm đầy kiêu hãnh trong cuộc đời công chức của chúng
tôi. Sau này chúng tôi còn nghiệm ra rằng không chỉ các bạn Ba Lan mà còn rất
nhiều bạn bè quốc tế khác cũng có cách xưng hô tôn kính như người Việt Nam chúng
ta khi nói về Đại tướng. Trong tiếng Việt, danh từ “đại tướng” cũng trở thành
danh từ dành riêng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vào những năm gối đầu
giữa hai thế kỷ, công tác đối với hai triệu rưỡi đồng bào ở xa đất nước đang
chuyển sang thời kỳ mới, công cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc được đẩy mạnh triển
khai trên nhiều bình diện, trong đó công tác thông tin là một kênh rất quan
trọng. Công nghệ thông tin được đầu tư rộng rãi, internet ngày càng thông dụng.
Việt Nam chính thức hòa mạng internet thế giới ngày 19/11/1997, nhưng trong vài
năm sau đó mọi việc chưa hẳn đã vào guồng. Tạp chí Quê Hương là cơ quan truyền
thông dành riêng cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được lãnh đạo cao cấp
và các đơn vị dịch vụ viễn thông ưu tiên đưa lên internet ngày 06/02/1997, nghĩa
là trước khi cả nước chính thức hòa mạng, trở thành tờ báo điện tử đầu tiên của
Việt Nam. Tuy nhiên, kỹ thuật làm báo điện tử lúc đó còn nghiêng nhiều về các
biện pháp thủ công: nội dung tạp chí in được sao sang đĩa mềm rồi nhờ anh chị em
kỹ thuật ở bưu điện đưa lên internet. Địa chỉ tờ báo vào thời gian đó làhttp://home.vnn.vn/quehuong với
thiết kế giản dị chỉ gồm vài chức năng phục vụ việc đọc cũng cho thấy rõ tính
chất phụ thuộc của tờ báo. Cuối năm 2000 chúng tôi mới có địa chỉ độc lập thể
hiện vị thế của một tờ báo trực tuyến: www.quehuong.org.vn.
Điều đáng ghi nhớ là thiết kế tờ báo do một công ty của kiều bào ta ở Mỹ làm
giúp, chỉ với một điều kiện là “không cho ai biết”. Chủ sở hữu công ty gặp chúng
tôi một lần duy nhất tại tòa soạn để tìm hiểu yêu cầu, sau đó chuyên viên của
hai bên làm việc trên internet. Một số tờ báo điện tử sau này đã đến Quê Hương
để tham khảo kinh nghiệm. Chúng tôi rất vui và tự hào về kết quả đó.
Cuối tháng
08/2002 chuyện riêng của Quê Hương được Đại tướng quan tâm và khích lệ.
Dịp đó chúng tôi đến chúc thọ Đại tướng. Chúng tôi biếu Đại tướng những
số tạp chí mới nhất, được Đại tướng hỏi nhiều chuyện về công việc của
tòa soạn và ý kiến của kiều bào khi xem tạp chí, nhất là báo Quê Hương
trực tuyến.
Chúng
tôi đã nhanh nhảu kể lại câu chuyện nói trên và cả những chuyện “bếp núc”
khác của tạp chí như: đáp ứng đề nghị của kiều bào về việc hạn chế dùng
từ “Việt kiều”, đăng bài của những người ở “phía bên kia”,
kiều bào phàn nàn về lỗi chính tả và sử dụng không chuẩn
tiếng Việt, phản ứng dữ dội khi bài viết của kiều bào về sự khác nhau
giữa văn hóa |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân trò chuyện với Đoàn |
Việt
Nam và văn hóa Trung Quốc bị cắt hay điều chỉnh, kiều bào tỏ ý hỗ trợ chúng tôi
đặt máy chủ ở nước ngoài nhưng chúng tôi không dám nhận v.v... Nghĩa là chúng
tôi cứ thật thà như con cháu nói với cha mẹ, ông bà trong nhà. Đại tướng vừa
nghe vừa xem từng trang tạp chí.
|
Khi chúng tôi chào Đại tướng để nhường thời
gian cho đoàn tiếp theo đến chúc thọ, Đại tướng đứng dậy giữ chúng tôi lại,
trong tay vẫn cầm tạp chí Quê Hương đang mở. Đại tướng nói chậm rãi: “Hòa giải
dân tộc là công cuộc trọng đại và cấp thiết. Tờ báo của đồng chí quan trọng lắm!”
Chúng tôi luôn nhớ và cố gắng thực hiện lời dạy của Đại
tướng. Chắc còn nhiều việc phải làm. Chúng tôi tin rằng các bạn kế nhiệm
sẽ làm tốt hơn chúng tôi. Tiễn biệt Đại tướng, xin viết bài báo này làm nén nhang
lòng kính viếng hương hồn Người và cầu mong Người sớm được yên nghỉ nơi
Tiên cảnh.
|
Hoàng Bình- khóa
1967-Kraków
Phiên dịch Đại sứ quán
Ba Lan 1974-1978
|