GS.TS Trương Quốc Bình |
KAZIK - NGƯỜI BẠN CHÍ TÌNH VỚi VIỆT NAM
trong việc bảo tồn di sản lịch sử.
-------------
Bài viết của GS.TS Trương Quốc Bình -
xin phép Tác giả chia sẻ. |
NGƯỜI ANH HÙNG CHỐNG LẠI THỜI GIAN
GS TS Trương Quốc Bình
Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia
(Nguyên Nghiên cứu sinh Việt Nam tại ĐHTH Nicolai Kopecnic, Torun, BaLan trong
các năm từ 1980-1984).
Người Ba Lan thường lấy tên thánh để đặt làm tên tục. Khi mới quen nhau hoặc ở
công sở, để tôn trọng, người ta thường gọi nhau bằng họ chứ không bằng tên.
Nhưng khi đã quen thân thì tên tục lại được đơn giản hóa thành tên thân mật. Họ
tên đầy đủ của anh là Kazimierz Kwiatkowski, tên thân mật của anh là Kazik, còn
người miền Trung gọi anh là Carich - một chuyên gia Ba Lan về tu bổ di tích. Và
cái tên này lâu nay đã được sử dụng để gọi anh ở khắp mọi nơi, kể cả trong những
lúc long trọng nhất như lễ trao huân chương cho anh ngày 21 tháng ba vừa qua tại
cố đô Huế. Có lẽ, anh là chuyên gia nước ngoài nổi tiếng nhất về thời gian làm
việc lâu năm ở Việt Nam, nổi tiếng về thái độ chân thành và dễ gần với mọi lớp
người. Nhưng trước hết và trên hết, anh là người nổi tiếng về tinh thần chịu
đựng gian khổ, lao động quên mình, dành trọn tâm huyết và tình cảm của mình cho
công cuộc phục hồi các di sản của văn hóa Việt Nam.
Kazik tuổi Giáp Thân, sinh ngày 2-7-1944, nhưng do vóc dáng cao lớn, vạm vỡ lại
để râu rậm, tóc dài nên từ nhiều năm nay không ít người vẫn nghĩ anh già hơn
nhiều so với tuổi thực.
Do có hơn bốn năm học trên đại học ở Ba Lan và sau đó có vài năm làm việc ở
Trung tâm Bảo tồn di tích nên tôi đã có nhiều dịp gặp anh, làm việc cùng anh,
tâm sự cùng anh, thậm chí có những đợt đi công tác còn ngủ chung với anh một
phòng. (Vì biết tiếng Ba Lan và còn vì vóc người quá khổ so với đồng bào mình
nên đã có thời gian tôi còn được mệnh danh là "ông Kazik thứ hai"). Có điều kiện
trao đổi, tâm tình với anh và giúp anh làm phiên dịch không chuyên nghiệp trong
nhiều cuộc họp báo, hội thảo khoa học nên tôi có điều kiện để hiểu về những tình
cảm của anh và những việc anh làm.
Hồi tôi sang đất nước quê hương anh, Ba Lan đang ở trong thời kỳ khủng hoảng.
Lúc bấy giờ mọi giá trị và quan niệm đều bị đảo lộn, vật giá leo thang hàng
ngày, đời sống của nhân dân Ba Lan gặp những khó khăn tưởng chừng như không thể
chịu đựng nổi. Nhưng, đấy chỉ là những khó khăn thiếu thốn lớn đối với đồng bằng
anh so với những năm trước đó. Còn đối với chúng tôi, những người đang sống bằng
những khẩu phần ít ỏi theo chế độ tem phiếu thời bao cấp vào những năm 79, 80
thì mức sống thiếu thốn của Ba Lan lúc ấy vẫn là niềm mơ ước cho các gia đình và
đồng bào ở Việt Nam.
Còn khi anh đến đất nước chúng tôi vào những năm đầu của thập kỷ 80, người Việt
Nam đang thiếu đủ thứ, kể cả những phương tiện và điều kiện tối thiểu như điện
để thắp sáng, giấy để viết… Nhưng anh vẫn vui vẻ chấp nhận, vẫn đồng cam cộng
khổ để cùng chúng tôi tạo dựng tương lai từ những chứng tích của quá khứ. Lúc
bấy giờ, vào khu tháp Mỹ Sơn còn phải đi bộ hàng chục cây số, phải băng rừng
vượt suối. Để tìm lại khu Thánh địa đã trở thành phế tích, đoàn khảo sát Việt
Nam - Ba Lan đã không chỉ tốn bao mồ hôi mà còn phải trả giá bằng máu bởi vì tử
thần chiến tranh vẫn náu mình trong các trái bom mìn còn sót lại.
Giữa cái nắng như thiêu đốt trong thung lũng Mỹ Sơn, anh cởi trần, mặc quần xà
lỏn, mặc kệ cho mồ hôi đẫm ướt mái tóc và bộ râu bạch kim của mình để miệt mài
đo vẽ, chắp vá, hàn gắn những vết thương của các ngôi tháp cổ.
Ngày ấy, bất chấp mọi khó khăn, thiếu thốn, anh cùng các bạn đồng nghiệp Việt
Nam ngủ rừng, ăn cơm rưới nước mắm, chan canh rau, hút thuốc lá Mai mà vẫn lạc
quan mơ ước để tạo dựng một khu tam giác du lịch văn hóa với ba trung tâm là
Huế, Mỹ Sơn và Hội An. Là hiệp sĩ của những tháp Chăm, anh có mặt tại khắp các
công trường tu bổ di tích từ Đà Nẵng đến Phan Rang, Phan Thiết để góp phần làm
sống lại những di duệ của một nền văn minh đã rực rỡ một thời.
Trong đại chiến thế giới thứ hai, đất nước Ba Lan, quê hương anh đã từng chịu
không ít khổ đau trước hiểm họa hủy diệt của bọn phát xít. Thủ đô Vácxava xinh
đẹp đã hầu như bị san phẳng theo định đề mà Hítle đã từng tuyên bố: "… Muốn hủy
diệt một dân tộc, trước tiên hãy hủy diệt các di sản văn hóa của dân tộc đó!"…
Sau ngày chiến thắng, dân tộc Ba Lan của anh vẫn kiên cường tồn tại, thủ đô
Vácxava được xây dựng lại "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" với sự phục hồi hạt nhân
cơ bản của nó là khu thành cổ. Tại đấy, tất cả những công trình xưa đều được xây
dựng lại với đầy đủ những đặc trưng của những phong cách kiến trúc nghệ thuật
như chúng đã được tạo dựng từ thời Trung cổ.
Từ những kết quả và kinh nghiệm thực tiễn của mình, các nhà phục hồi di tích Ba
Lan đã xây dựng nên một "trường phái Ba Lan" góp mặt xứng đáng cho sự nghiệp bảo
tồn di sản văn hóa của nhân loại. Chính vì thế mà PKZ - tên gọi tắt của cơ quan
phục hồi di tích của Ba Lan đã được hàng chục nước trên thế giới, trong đó có
không ít các quốc gia công nghiệp phát triển mời đến để tu bổ di tích. Và cũng
chính vì thế mà trong các hoạt động của mình ở Việt Nam, Kazik đã vận dụng và
thuyết phục các bạn bè đồng nghiệp Việt Nam ứng dụng những phương pháp và kinh
nghiệm của trường phái tu bổ di tích mà anh là đại diện.
Để gia cố những ngôi tháp đang bị nứt, bị lún và có nguy cơ bị sụp đổ, anh dùng
phương pháp khoan đặt các lõi thép của những người thợ mỏ rồi sau đó phun chất
kết dính để liên kết và tạo một vành đai thép bao quanh. Mọi chi tiết trang trí
kiến trúc bị vỡ, bị đổ, bị xáo trộn do bom đạn được anh kiến nghị thu thập và
gắn chặt vào đúng vị trí cũ của chúng theo phương pháp mà các nhà bảo tồn di
tích Việt Nam sính chữ nước ngoài thường gọi là "Anastylo" - dịch nôm là tổng
hợp từng bộ phận. Những chỗ chưa xác định chính xác các bộ phận đã mất, anh đề
nghị giữ nguyên chứ không làm công việc mà lâu nay nhiều người vẫn ưa làm là
"phục chế". Những đoạn tường tháp đã bị hỏng cần xây lại để gia cố anh đề nghị
xây lại bằng gạch mới và vật liệu kết dính mới (bao gồm xi măng + cát vàng + bột
gạch) để tạo ra những ý niệm về tổng thể ngôi tháp và giới thiệu về những công
việc của thế hệ đương thời chứ không làm lại y như thật những gì đã mất. Phương
pháp và phong cách Ba Lan mà anh là đại diện đã và vẫn gây nên sự tranh luận,
thậm chí một thời còn bị phê phán bởi một số người. Cũng xin lưu ý rằng, Ba Lan
rất chú trọng đến các hoạt động khoa học trong công tác bảo quản và tu sửa các
di tích.
Ngay từ những năm đầu mới sang Việt Nam, bạn đã thực hiện việc tư liệu hóa các
di tích Chàm bằng cách nghiên cứu các hồ sơ của các học giả Pháp trước đây và đo
vẽ đạc họa tỉ mỉ, chính xác các di tích. Một số mẫu gạch Chàm được đưa về Ba Lan
để phân tích chất liệu, xác định độ nung, cường độ chịu lực để tạo ra những luận
cứ khoa học chứng minh cho những giả thuyết về phương pháp xây cất và bản chất
của loại chất kết dính giữa các viên gạch mà lâu nay còn là những điều bí ẩn…
Để phối hợp tạo lập tam giác du lịch văn hóa của khu vực miền Trung, ngoài những
tháng ngày lăn lộn vất vả tại các khu di tích Chàm ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình
Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… anh còn hòa mình vào những
ngôi nhà cổ tại Hội An và say sưa với các cung điện lăng tẩm ở cố đô Huế. Từ năm
này qua năm khác, với anh, các di sản văn hóa Việt Nam đã trở thành một phần
thân thiết nhất của cuộc đời anh.
Đầu thập kỷ 90, sau khi Hiệp định hợp tác song phương giữa Ba Lan và Việt Nam đã
hết thời hạn và do những biến động ở các nước Đông Âu trong đó có đất nước quê
hương anh, Kazik ít sang Việt Nam hơn trước nhưng vẫn nung nấu sự gắn bó máu
thịt với những di sản văn hóa của xứ sở này - nơi anh coi là tổ quốc thứ hai của
mình.
Năm 1994, được sự tài trợ của Hội những người bạn tháp Chàm CHLB Đức, anh lại có
dịp để bộc lộ tài năng và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy các di duệ
của văn minh, văn hóa Việt Nam qua việc tổ chức cải tạo hai ngôi tháp đang là
phế tích ở Mỹ Sơn thành bảo tàng tại chỗ - nơi trưng bày bổ sung về khu di tích
Mỹ Sơn và quá trình tu bổ phục hồi… Do những đặc điểm về tín ngưỡng, các cư dân
theo ấn Độ giáo thường coi lòng tháp là nơi cư trú của thần linh. Vì thế, mọi
công việc trang trí thường được tập trung ở các phần bao bọc bên ngoài. Những
năm trước, do sự phá hủy của bom đạn, bên trong các ngôi tháp D1 và D2 tại Mỹ
Sơn trông hoang phế như những chiếc lò gạch lớn đã lâu lắm không còn được sử
dụng. Vậy mà, nhờ trí tuệ và công sức của anh, cả hai ngôi tháp này đã được cải
tọa thành nhà trưng bày có mái che để vừa giới thiệu các di vật kiến trúc nghệ
thuật của cả khu Thánh địa vừa giới thiệu nội thất của các khu tháp. Đây chính
là một trong những dự án mà anh đã ấp ủ từ hàng chục năm trước khi anh cầm bút
thiết kế quy hoạch, dựng lại tương lai từ quá khứ giữa một hiện tại ngổn ngang
của sự tàn hủy.
Gần đây, theo sự thỏa thuận giữa hai chính phủ Ba Lan và Việt Nam, phía Ba Lan
đề nghị dành gần một triệu đô la Mỹ trong số tiền xóa nợ đã vay của Việt Nam từ
những năm trước đây để góp phần tu bổ khu di tích Huế. Kazik lại được cử làm đại
diện của Ba Lan để thực hiện dự án đặc biệt của tình hữu nghị này. Với bề dày
của hàng chục năm làm việc tại Việt Nam, với những kiến thức và kinh nghiệm về
kiến trúc cổ Việt Nam mà anh đã lăn lộn khảo sát nghiên cứu tại Hội An, tại Huế
và tại những cội nguồn của nó là các đình, đền, chùa, ở các đồng bằng Bắc Bộ,
và, với sự tin yêu của bạn bè đồng nghiệp người Việt, Kazik đang hăm hở vào
cuộc.
Để khẳng định những tình cảm sâu nặng với đất nước và con người Việt Nam mà các
di sản văn hóa là những đại diện cụ thể, lần này anh còn thuyết phục con trai cả
của mình - một kiến trúc sư tu bổ di tích, theo anh sang Huế với tư cách là một
người cộng sự.
Ở Huế, hàng ngày cha con anh và đoàn chuyên gia sinh hoạt như những người Việt
Nam từ những tỉnh khác về Huế công tác - ngủ tại nhà khách và ăn cơm bình dân ở
quán Cây Me. Có nhiều hôm, bữa trưa của anh bắt đầu từ hai giờ chiều bởi anh đã
và đang bị cuốn hút vào một sự nghiệp mới - chống lại sự lãng quên của thời gian
và chống lại sự lãng phí thời gian.
Hay tin anh mất đột ngột vào buổi chiều 19 tháng 3, nhiều bạn bè đồng nghiệp
Việt Nam không khỏi ngỡ ngàng. Bởi vì anh, với vóc dáng cao lớn của mình, với nụ
cười hồn hậu và sự gần gũi hiếm thấy của một "ông Tây" đã trở nên thân thuộc với
tất cả những người mà anh đã có dịp tiếp xúc. Bạn bè văn nghệ mến anh vì anh
giao tiếp với họ như một nghệ sĩ. Còn anh, anh chắt lọc từ họ những cái mà anh
gọi là "phần hồn" của những di tích vật chất. Những năm đầu mới sang Việt Nam,
anh thường dùng lối "họa đàm" để khắc phục tình trạng bất đồng ngôn ngữ khi giao
tiếp với mọi người. Anh sẽ không tồi, nếu không nói là vẽ đẹp bởi anh là một
kiến trúc sư, một nghệ sĩ tài ba. Sau này, anh học được một vài từ tiếng Việt và
chỉ cần bập bẹ "mốt đen, mốt sen" là các cô phục vụ ở nhà khách đã hiểu ngay
được anh gọi một cốc cà phê đen và một bao thuốc lá Bông sen do họ suy diễn từ
những điệu bộ rất tài tử và nụ cười hồn hậu rất dễ thương của chú Cadích.
Hòa đồng với mọi người, anh không câu nệ hình thức mặc dù sự xã giao hình thức
là đặc tính vốn có của người Ba Lan. Lần đầu tiên gặp anh ở Vácxava, do không
kịp đặt phòng tại khách sạn nên chúng tôi được anh nhường ngủ trên giường còn
anh nằm luôn trên thảm trải nhà. ở Mỹ Sơn, anh ngủ tại khu lán công trường thiếu
thốn đủ thứ, kể cả nước sạch, mà vẫn cứ vui vẻ. Anh vẽ đẹp nhưng chữ viết thì
không đẹp. Những năm ấy, để tôi có thể giúp anh dịch các báo cáo khoa học hoặc
các đề án kỹ thuật từ tiếng Ba Lan sang tiếng Việt, anh cặm cụi viết hàng chục
trang bằng chữ viết in hoa bởi vì chữ viết thường của anh rất khó đọc. Viết xấu
nhưng anh vẽ đẹp, đặc biệt là vẽ kiến trúc, không chỉ đẹp mà còn chính xác.
Kazik đặc biệt yêu trẻ con. Những năm anh mới sang, trẻ con ở Đà Nẵng bu lấy anh
mỗi khi anh đi ra phố và gọi anh là "ông Liên Xô" hoặc "ông thầy lang" bởi anh
rất giống nhân vật trong phim Thầy lang của Ba Lan đang được nhiều người hâm mộ
lúc bấy giờ.
Khi biết tin tôi sắp được làm bố, anh vác theo một chiếc xe đẩy trẻ con của Ba
Lan sang để làm quà - một món quà bất ngờ vì nó cồng kềnh nhưng đã được anh mang
theo qua mấy lần đổi máy bay trên chặng đường gần nửa vòng trái đất. Sau này, cứ
mỗi lần gặp nau anh lại không quên hỏi thăm về các con tôi, những đứa trẻ đã
biết đi, biết chạy sau những tháng năm sử dụng chiếc xe đong đầy kỷ niệm này… Xa
nhà, Tổ quốc nên mỗi lần thấy trẻ con Việt Nam, Kazik lại thoáng nhớ nhà, nhớ
con "nhiều hơn nhớ vợ" như anh vẫn nói vui. Nhưng tôi biết nỗi nhớ của anh đối
với các con anh và vợ anh là không hơn, không kém. Vợ anh, một cô giáo tiểu học
đã tần tảo thay anh nuôi dạy các con vào đúng thời kỳ Ba Lan đang khó khăn nhất
về đời sống. Chị cũng phải làm thêm, dạy thêm để đủ tiền "nuôi đủ ba con" thỉnh
thoảng mua quà gửi cho chồng vì anh ở Việt Nam không hề có lương để gửi về như
đi làm việc ở các nước khác. Say mê với công việc của mình, anh hướng cho con
anh theo nghiệp bố. Yêu đất nước và di sản văn hóa Việt Nam, anh chú tâm bồi
dưỡng cho con trai mình tình yêu đối với sự nghiệp mà anh hằng gắn bó và nguyện
sẽ gắn bó đến suốt đời.
Thật quả không ngờ, điểm cuối của cuộc đời anh lại diễn ra vào đúng lúc anh đang
tập trung thể hiện sự gắn bó không chỉ cho riêng mình và cũng không chỉ cho hiện
tại.
Thôi, anh cứ thanh thản ra đi bởi những việc anh làm đã trở thành những biểu
tượng của tình hữu nghị, đã thành di tích của những di tích.
Vĩnh biệt anh Kazik - người anh hùng chống lại sự lãng quên của thời gian.
(Bài đã đăng Báo Văn Nghệ, 1998 và Tạp chí Văn hóa Quảng Nam, số 10-1998)
|