Dịch giả Nguyễn Văn Thái và những trang văn đẹp
đẽ
từ đất nước có 4 giải Nobel văn học
Phi Hà
Nghe âm thanh bài viết tự động phát
(VOV5)- Ba
Lan là một đất nước có diện tích nhỏ, nhưng riêng về văn học, có thế coi đó là
một “cường quốc” với 4 giải Nobel văn học và nhiều tác giả được đề cử Nobel. Tác
phẩm của cả bốn tác giả đoạt Nobel của Ba Lan đều đã được dịch sang tiếng Việt.
Tác phẩm kinh điển trở lại
“Trên sa mạc và trong rừng thẳm” của tác giả cổ điển lừng danh Henryk
Sienkiewicz sắp ra bản tiếng Việt mới, do dịch giả Nguyễn Văn Thái, người Việt ở
Ba Lan chuyển dịch, NXB Kim Đồng ấn hành. Đây là tác phẩm đã được bạn đọc Việt
Nam biết tới đã lâu qua bản dịch của dịch giả Nguyễn Hữu Dũng – một trong những
tác giả đầu tiên giới thiệu nền văn học Ba Lan với bạn đọc. Chị Nguyễn Thúy
Loan, trưởng ban Văn học NXB Kim Đồng cho biết: “Trên sa mạc và trong rừng thẳm
trước đó có một vài dịch giả đã dịch tại Việt Nam, trong đó có bản dịch được
nhiều người biết đến là của dịch giả Nguyễn Hữu Dũng, tuy nhiên dịch giả Nguyễn
Văn Thái dịch tác phẩm này với một giọng văn khác. Ông truyền tải bằng một văn
phong chắc chắn, vững vàng. Vẫn là góc nhìn đấy, với một văn phong chậm rãi. Và
bạn đọc cũng hiểu được là không có bản dịch nào là hoàn hảo nhất, nhưng luôn
luôn có những dịch giả muốn chuyển thể tác phẩm đấy đến với công chúng bằng ngôn
ngữ của mình. “
Nói về tác phẩm “Trên sa mạc và trong rừng thẳm”, dịch giả, tiến sĩ khoa học địa
chất Nguyễn Văn Thái, cho biết, ông cũng rất thú vị khi được khám phá lại tác
phẩm này: “Đây là truyện đầu tiên và duy nhất của một tác giả dành giải Nobel
năm 1905 viết về thiếu nhi. Theo như tác giả ấy nói thì bất kỳ một tác giả nào
trong đời dù sớm muộn cũng nên có ít nhất một tác phẩm viết cho thiếu nhi dành
cho thiếu nhi. Và ông đã thực hiện lời hứa đó. Năm 1911 ông viết cuốn truyện
dành cho thiếu nhi, nhân vật chính là cậu bé người Ba Lan 15, 16 tuổi và cô bé
người Anh 7, 8 tuổi phiêu lưu từ Ai Cập suốt sông Nin qua sa mạc Sahara cho đến
tận Sudan… Henryk Sienkiewicz mượn bối cảnh là cuộc khởi nghĩa của nông dân
Sudan chống lại ách thống trị của thực dân Anh. Đây gần như là một tiểu thuyết
phiêu lưu mạo hiểm nhưng cũng gắn với bối cảnh lịch sử nên có thể coi là tiểu
thuyết lịch sử .”
Một tác phẩm dịch giả Nguyễn Văn Thái chuyển ngữ
Trước đó, tiến sĩ khoa học địa chất Nguyễn Văn Thái từng
đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 về dịch thuật với tiểu thuyết
kinh điển, được coi như bộ sử thi của dân tộc Ba Lan “Nông dân”, của tác giả
Wladyslaw Reymont. Chị Nguyễn Thúy Loan cho biết lý do NXB Kim Đồng lựa chọn
những bản dịch của dịch giả Nguyễn Văn Thái: “Dịch giả Nguyễn Văn Thái vốn là
một nhà khoa học hiện đang sống tại Ba Lan nhưng tiếng Việt của ông rất tốt và
các bản dịch của ông khi gửi đến NXB Kim Đồng đều rất truyền cảm và tạo được dấu
ấn. khá đặc biệt. Tác phẩm đầu tiên ông dịch giúp NXB Kim Đồng chính là truyện
Hania tình yêu của tôi nỗi buồn của tôi, Bản dich này không hẳn là mới, vì ở
Việt Nam trước đó cũng có một vài người khác dịch truyện Hania, tuy nhiên ngôn
ngữ của dịch giả Nguyễn Văn Thái rất truyền cảm và thể hiện đúng thời điểm lịch
sử của Ba Lan thời đó. Ông có một sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Ba Lan, vì ông
vốn đã sinh sống tại Ba Lan rất nhiều năm. Nên cách ông thể hiện qua từ ngữ, câu
thoại, cách diễn đạt, hành văn của tác giả Henryk Sienkiewicz là tác phẩm bạn
đọc rất ấn tượng. Tiếp đó ông dịch cuốn sách đương đại Kỳ nghỉ hè với nhà văn
của Andrey Garboski. Dịch giả Nguyễn Văn Thái đã hòa được với giọng viết của tác
giả. Điều này thường rất khó với các dịch giả vì các dịch giả thường được coi là
người thể hiện lần thứ hai hoặc kể lại, hoặc như người diễn lại …Với cuốn này
dịch giả Nguyễn Văn Thái đã cảm thụ và truyền tải gần như hoàn hảo tác phẩm."
Ba năm với 5 tác giả nổi tiếng nhất Ba Lan thế kỷ 19
Nhưng có lẽ tác phẩm cần được mong chờ nữa, chính là tuyển tập truyện ngắn
"Người gác đèn biển" sắp ra mắt, trong đó Nguyễn Văn Thái tuyển dịch giới thiệu
5 tác giả nổi tiếng nhất của Ba Lan thế kỷ 19, những tác giả có những tác phẩm
được giảng dạy và tuyển chọn trong nhà trường phổ thông của Ba Lan: Eliza
Orzeszkowa, Maria Konopnicka, Henryk Sienkiewicz, Boleslaw Prus, Stefan
Żeromski. Chị Nguyễn Thúy Loan cho biết: “ Đó là các tác phẩm không những rất
nhân văn mà nó còn phản ánh hiện thực xã hội lịch sử của Ba Lan và một phần Châu
Âu vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Dịch giả Nguyễn Văn Thái rất tâm huyết với
tập truyện này và bản dịch của ông đã được Viện sách Ba Lan tài trợ và phối hợp
với NXB giới thiệu. Chúng tôi dự định là sẽ giới thiệu bộ truyện này vào trong
tháng tư tuần lễ văn học Châu Âu.”“
Dịch giả Nguyễn Văn Thái cho biết, để dịch tuyển tập này, ông đã phải mất gần ba
năm, với gần 600 trang của 5 truyện ngắn: “Đây là những tác giả hoặc được giải
thưởng Nobel văn học, hoặc được đề cử giải Nobel văn học viết về TK 19, là thời
kỳ Ba Lan đang nằm trong ách thống trị của 3 đế quốc Nga, Phổ, Áo. Và bức tranh
về cuộc sống của nhân dân Ba Lan giống hệt cs của nhân dân Việt Nam thời thuộc
Pháp, vì nó cũng nô lệ, vất vả, tăm tối, gặp nhiều cam go, thể hiện rất rõ đời
sống của nhân dân Ba Lan. Khi tôi đọc những trang này tôi nhận ra xã hội VN có
thể phát triển chậm sau Ba Lan khoảng gần 100 năm nhưng bức tranh về những năm
tháng quá khứ thời thuộc địa thì tương đối giống nhau. Tôi hy vọng cuốn sách
này sẽ cung cấp một món ăn tinh thần không những cho người Việt ở trong nước mà
ngay cả người Việt ở Ba Lan, khi mà con em đang học ở trong những trường này có
thể đọc và hiểu thêm giúp các em nắm được về văn học Ba Lan thời kỳ đó…”
Dịch giả Nguyễn Văn Thái
Dịch giả Nguyễn Văn Thái chia sẻ, khác với việc dịch thơ
hay tiểu thuyết trước đây, với tuyển tập này, ông có gặp một số khó khăn: “Vì
đây là năm tác giả với năm cách viết, cách thể hiện khác nhau nên để đến với tác
giả, phải đọc một thời gian mới hiểu nhau. Nó không thuận lợi như đối với một
tác giả tiểu thuyết khi mình đã dành một thời gian tìm hiểu, biết được gu của
tác giả, biết cách thể hiện thì dịch tương đối trôi chảy. Đây cũng là cái thú vị
vì dịch truyện ngắn cũng có cái khó, chứ không phải chỉ dịch tiể thuyết vất vả.
Chắc chắn là mình phải phản ánh đúng văn phong của người ta. Stefan Stefan
Żeromski, chủ tịch PEN CLUB đầu tiên, là một nhà văn cực tả. Ông viết những
truyện ngắn mà nói chung ngay cả những định nghĩa, khái niệm của ông đưa ra với
người Ba Lan đã tương đối mới, nên đọc để hiểu đã khó, mà truyền tải cho bạn đọc
hiểu được cũng là khó. Có những nhà văn viết rất cổ điển, những hình tượng đưa
ra rất gần với mình, như nhà văn Henryk Sienkiewicz là bậc thầy về việc sử dụng
ngôn ngữ cũng như hình ảnh, các nhân vật của ông rất dễ hiểu. Nhưng với
Żeromski dịch một truyện của ông ấy đã mất vài tháng.”
Chị Nguyễn Thúy Loan cho biết: “Việc lựa chọn xuất bản Người gác đèn biển, chúng
tôi muốn các bạn đọc nhỏ tuổi, đặc biệt là các em thiếu nhi hiểu hơn về thế giới
văn học ở bên ngoài, cũng có nét tương đồng với thời điểm lịch sử của văn học
Việt Nam. Chúng ta mở ra những chương, những cánh cửa văn học thì các em cũng mở
rộng hơn tầm nhìn của mình vì văn học chính là nhật ký của thời đại, mà khi lưu
lại qua trang viết của những tác giả tài năng thì sẽ rất sinh động.”
Theo chị Nguyễn Thúy Loan, nhà xuất bản cũng hy vọng qua những trang văn đẹp đẽ
của các tác giả kinh điển Ba Lan do dịch giả Nguyễn Văn Thái chuyển ngữ, bạn đọc
nhỏ tuổi sẽ hiểu thêm về Ba Lan, một đất nước cũng có rất nhiều anh hùng, những
danh nhân, những con người luôn sẵn sàng thực hiện những công việc khó khăn nhất
vì đồng bào, vì Tổ quốc, để có một Ba Lan tươi đẹp như ngày nay.
Phi Hà
Nguồn:
https://vovworld.vn/vi-VN/tap-chi-van-nghe/dich-gia-nguyen-van-thai-va-nhung-trang-van-dep-de-tu-dat-nuoc-co-4-giai-nobel-van-hoc-522531.vov
|