Home | Giới thiệu | Lịch sử | Thành tích | Học sinh | Album Ảnh | Videos | Phần mềm | Tài liệu | Giải trí | Liên kết

HỘI NHẬP QUỐC TẾ LÀ GIẢI PHÁP QUAN TRỌNG NHẤT

ĐỂ ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM

 

“Kho trời chung, mà vô tận của mình riêng”

Cao Bá Quát (1809-1855)

GS. TSKH. Trần Văn Nhung

 

Mục đích của bài viết

Ai cũng nhận thấy giáo dục là lĩnh vực quan trọng và lâu nay ngành giáo dục bị phê phán nhiều. Đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức để hiến kế, để tìm biện pháp khắc phục, nhưng giáo dục vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của toàn xã hội. Lý do và cách khắc phục? Theo chúng tôi, đây là bài toán rất khó, không chỉ đối với Việt Nam mà đối với toàn thế giới, nhất là đối với các nước nghèo, chậm phát triển. Trong bài viết này, bằng những bài học và kinh nghiệm quốc gia và quốc tế, chúng tôi sẽ cố gắng chứng minh rằng hội nhập quốc tế một cách nhanh chóng, thực sự và toàn diện, từ tư duy đến hành động, là giải pháp quan trọng nhất hiện nay để đổi mới căn bản, toàn diện và phát triển nền giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc dân tộc.

Hai nội dung chính của bài viết

Qua thực tiễn ở các quốc gia phát triển nhanh chóng và bền vững, nói riêng là ở các nước mới “hóa rồng”, (những) người lãnh đạo đất nước đều có tâm sáng, có tầm nhìn chiến lược và quyết sách đúng, phải thực sự xem khoa học và giáo dục là quốc sách hàng đầu và lấy nguồn nhân lực làm “bệ phóng”. T. Hesburg đã nói: “Điều cốt lõi nhất mà người lãnh đạo phải có chính là tầm nhìn”.

Chúng tôi cho rằng để cải cách và phát triển giáo dục Việt Nam theo định hướng của Đảng và Nhà nước thì cách tốt nhất vẫn là hội nhập với thế giới văn minh, hay nói cho mạnh hơn là phải quốc tế hóa nhanh chóng và triệt để nền giáo dục nước nhà.

Văn kiện Đại hội Đảng CSVN lần thứ XI đã chỉ rõ nhiệm vụ của ngành giáo dục: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Trong bài này, chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc “hội nhập quốc tế” trong quá trình “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân”. Vì khi đã gia nhập WTO rồi thì nguồn nhân lực của chúng ta phải bảo đảm chất lượng và hiệu quả cạnh tranh toàn cầu và hội nhập quốc tế. Do đó cần phải lấy những kinh nghiệm, chuẩn mực và giá trị quốc tế tiên tiến làm cơ sở và đích đến cho nền giáo dục của chúng ta. Nói cho gọn lại là phải quốc tế hóa nhanh chóng và toàn diện nền giáo dục nước nhà để tạo ra những thế hệ người Việt Nam mới, thành thạo các kỹ năng sống và làm việc trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta có thể yên tâm, không sợ “mất bản sắc dân tộc”, vì qua thực tế hơn nửa thế kỷ gửi nhiều vạn lưu học sinh Việt Nam đi du học nước ngoài, tuyệt đại đa số thanh niên, sinh viên chúng ta vẫn gìn giữ, phát huy tình yêu đất nước và cốt cách Việt.

 

1.      Giáo dục là lĩnh vực rất quan trọng nhưng rất khó làm; giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, ngành giáo dục và đào tạo trực tiếp điều hành và chịu trách nhiệm, nhưng vai trò chỉ đạo cao nhất vẫn thuộc về Đảng và Nhà nước

Tại sao có thể nói như vậy? Vì Văn kiện Đại hội Đảng CSVN lần thứ IX đã nhấn mạnh: “ Phát triển khoa học và công nghệ cùng với giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ”. Để thực hiện quốc sách hàng đầu thì sự định hướng và chỉ đạo vĩ mô với trách nhiệm cao nhất của Đảng và Nhà nước đóng vai trò quyết định. Nguyên PCTN Nguyễn Thị Bình và nguyên Bộ trưởng Giáo dục, GS. Phạm Minh Hạc đã nói: Đừng mong cải cách giáo dục khi Đảng và Nhà nước không “ra tay”. Nếu như Đảng và Nhà nước không “ra tay” đổi mới giáo dục thì chẳng có sự đổi mới nào thành công được. GS. Hoàng Tụy cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết của cải cách giáo dục theo đúng nghị quyết của Đảng: Cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện, triệt để là giải pháp cứu nguy cho giáo dục, cũng là cứu nguy cho phẩm chất Việt Nam khi còn chưa quá trễ.

Giáo dục là bài toán rất quan trọng nhưng khó khăn, là sự nghiệp của toàn xã hội, nhưng vai trò lãnh đạo và trách nhiệm trên hết thuộc về Đảng và Chính phủ, thuộc về (những) người đứng đầu đất nước.

 

Bức tranh toàn cảnh của xã hội có ảnh hưởng ảnh trực tiếp đến giáo dục. Vì vậy những lĩnh vực rất quan trọng nhưng khó làm, khó thỏa mãn được đòi hỏi của mọi người dân, như giáo dục, y tế, văn hóa, ..., không thể thoát ly khỏi hoàn cảnh xã hội. Việc quy kết mọi yếu kém của giáo dục trước hết cho ngành giáo dục là đúng, nhưng không nên chỉ quy kết cho cho riêng ngành giáo dục, mà gia đình và xã hội cũng có trách nhiệm phối hợp, chia sẻ.

 

Suốt mấy chục năm qua chúng ta đã có nhiều cố gắng, nhiều cải cách, thay đổi nhiều đời bộ trưởng giáo dục, nhưng giáo dục vẫn là lĩnh vực chịu nhiều phê phán của xã hội, chưa đáp ứng được nhu cầu của toàn dân, đòi hỏi của sự phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Mới nhìn vào có người dễ tưởng làm giáo dục không khó, nhiều người có thể làm được, “phán” được. Nhưng càng về sau tôi càng thấu hiểu: Nói về một vấn đề cụ thể nào đó của giáo dục thì có vẻ không khó khăn lắm, nhưng làm giáo dục thực sự và nhất là làm bộ trưởng giáo dục thì lại là một công việc rất khó! Đây là chiếc ghế “nóng” không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. GS. Ngô Bảo Châu, nhà toán học đầu tiên của Thế giới thứ ba được trao Giải thưởng Fields cao quý năm 2010, cũng đã nói: “Tôi đã từng đi nhiều nước và nhận thấy, hầu như nước nào cũng đều không hài lòng với nền giáo dục của nước mình” (xem Dân trí ngày 29/6/2011).

Khi không còn trực tiếp làm quản lý giáo dục nữa, tôi rất tránh nói và “phán” một cách chủ quan về lĩnh vực khó khăn này, đặc biệt là không bao giờ dám “chê” người này người nọ, người trước người sau, và chỉ xem mình là đúng là chuẩn. Vì ngày trước khi còn đương nhiệm, bên cạnh một số việc làm được, cũng có những việc tôi làm chưa tốt, làm hỏng. Nếu có ý gì hay thì đóng góp một cách thiện chí và xây dựng, nếu không có thì tốt nhất là ngồi im để cho người ta làm, để mình tiếp thu và suy ngẫm thêm. Tôi nhớ một câu nói chí lý của một bậc thầy nào đó ở phương Đông: “Tai hoạ của con người là ở chỗ thích làm thầy người khác” (Nhân chi hoại tại hiếu vi nhân sư).

Để minh hoạ thêm cho tính khó khăn của bài toán giáo dục tôi xin nêu một ví dụ bằng ... toán học. Trong lịch sử ngành này từ thời cổ đại cho đến tận hôm nay, có lẽ không có một bài toán nào mà quá trình đi tìm lời giải cho nó lại khó khăn, phức tạp và nhiều sai lầm, bi kịch như Bài toán lớn Fermat. Tuy nhiên Bài toán lại được Fermat, một luật sư làm toán nghiệp dư người Pháp, phát biểu dưới dạng rất đơn giản mà ngay một học sinh ở lớp đầu cấp II phổ thông cũng có thể hiểu được, thậm chí có thể thử giải và nghĩ rằng có thể giải được bằng những kiến thức sơ cấp thông thường của số học. Nhưng oái oăm thay, sau 357 năm tồn tại, mãi đến năm 1993, Bài toán lớn Fermat mới được một nhà toán học thiên tài người Anh tên là Andrew Wiles giải quyết xong. Một bài toán mà thoạt nhìn có vẻ đơn giản và sơ cấp, thì người đời dễ bị lừa là nó dễ và có thể giải được bằng công cụ đơn giản và sơ cấp. Nhưng để đi tới đích, cuối cùng Andrew Wiles đã phải lao động cật lực trong 8 năm liền và phải huy động những thành tựu hiện đại nhất, khó nhất của toán học trong thế kỷ XIX và XX để chứng minh được những giả thuyết quan trọng, hoàn tất chặng đường cuối cùng của cuộc chạy đua tiếp sức đường dài hơn ba thế kỷ của nhiều nhà toán học xuất sắc trên toàn thế giới để giải quyết xong hoàn toàn Bài toán lớn Fermat. Cái khó khăn của bài toán giáo dục cũng có dạng như vậy! Và phải chăng mỗi khi gặp những bài toán (theo nghĩa đen và nghĩa rộng) vô cùng khó khăn và phức tạp thì chúng ta đều phải nghĩ đến những giải pháp toàn cục, giải pháp ”quốc tế hóa”? Một ví dụ thời sự khác là để giải quyết tình hình lấn chiếm của Trung Quốc ở biển Đông, Việt Nam và các nước ASEAN phải hợp tác với nhau và với các nước lớn trên thế giới bằng những giải pháp quốc tế hóa.

 

2.      Những kinh nghiệm và bài học quốc gia và quốc tế cho thấy chúng ta cần phải có quan điểm quốc tế hóa trong cải cách, xây dựng và phát triển giáo dục nước nhà

▪ Quốc tế hóa giáo dục (đại học) (Internationalization of (Higher) Education):

Theo J. Knight (1993), quốc tế hóa giáo dục đại học là quá trình hội nhập quốc tế về giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ của các đại học trên thế giới. Theo Hans De Wit (2011), quốc tế hóa trong giáo dục đại học tại Châu Âu đã hình thành và phát triển từ 20 năm trước, đầu tiên chỉ là một mối quan tâm thứ yếu nhưng dần dà đã trở thành một nhân tố trung tâm.

"Quốc tế hóa giáo dục là xu hướng mang tính toàn cầu, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất giữa các quốc gia về mọi lĩnh vực trong giáo dục, từ đào tạo tới nghiên cứu, từ phương pháp dạy học tới biên soạn giáo trình, từ việc sử dụng công nghệ trong giáo dục tới các nguồn tài liệu học tập, từ các vấn đề về giáo viên tới các vấn đề quản lý, kiểm định và đánh giá chất lượng. Toàn cầu hóa giáo dục nhằm mục đích cải tổ quá trình học tập cho tất cả mọi người và xây dựng những nguyên tắc, giá trị chung giữa các nền giáo dục trong bối cảnh thế giới đang tiến tới nền kinh tế trí thức toàn cầu.” (Theo GS. Mai Trọng Nhuận).

Từ năm 1978 Đặng Tiểu Bình đã chỉ thị phải phải quốc tế hóa nhanh chóng, toàn diện và triệt để nền giáo dục Trung Quốc. Năm 1994, tại một hội nghị về đổi mới giáo dục Việt Nam, tôi đã mượn ý này và đề nghị cần phải khẩn trương quốc tế hóa nền giáo dục nước nhà. Lúc đó có người can tôi không nên nói “mạnh” như thế, nên sau đó tôi đã đề xuất “nhẹ” hơn rằng Việt Nam cần phải “hội nhập quốc tế” nhanh chóng và triệt để về giáo dục, nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc dân tộc.

▪ “Hóa rồng” nhờ giáo dục: Nguyên nhân “hoá rồng” trong vòng 25, 50 hoặc 100 năm qua của một số quốc gia, như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc,... là khoa học, giáo dục, nguồn nhân lực và nói cho rõ hơn là nhà nước đã thực sự hiểu vai trò quốc sách hàng đầu của khoa học, giáo dục và quan tâm, chỉ đạo, đầu tư quyết liệt cho nó. Nhật Bản có Vua Minh Trị, Việt Nam có Hồ Chí Minh, Singapore có Lý Quang Diệu, Hàn Quốc có Park Chung Hee, Trung Quốc có Đặng Tiểu Bình,... Nhiều nguyên nhân, bài học kinh nghiệm quý báu của một số nước về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ gắn với xây dựng đội ngũ trí thức đã được phân tích và đúc kết rất công phu trong một số đề tài nghiên cứu mấy năm trước đây. Tuy nhiên, trong 5 hay 7 nguyên nhân “hoá rồng” đã được đúc kết của các nước này, tôi vẫn cứ muốn tìm hiểu tận cùng xem đâu là nguyên nhân chính, đâu là nguyên nhân số không (đứng trước tất cả các nguyên nhân 1, 2, 3, 4,... khác), đâu là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Và cuối cùng tôi cho rằng đó là những người lãnh đạo đất nước thực sự coi trọng khoa giáo. Cả dân tộc đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, trung thực và khiêm tốn, xung quanh (những) người đứng đầu đủ tâm đủ tầm. Luật sư Nguyễn Trần Bạt còn nói: “Nhà nước phải là người đi học đầu tiên” (Đối thoại với tương lai, trang 663).

▪ Hồ Chí Minh luôn kết hợp hài hòa trong giáo dục giữa quốc gia và quốc tế, giữa truyền thống và hiện đại, giữa đông và tây; người thực sự xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, luôn cổ súy cho sự học và cả cuộc đời là tấm gương tự học, học suốt đời

Hồ Chí Minh và UNESCO đối với giáo dục: Như chúng ta biết, đối với giáo dục ở mỗi nước, những vấn đề sau đây là quan trọng: Triết lý và mục tiêu giáo dục, tư duy và phương pháp luận, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục, người dạy và người học, chương trình và sách giáo khoa, thi cử và đánh giá, môi trường và phương tiện dạy học, điều hành và quản lý, đầu tư và tài chính,... Nhưng trước tiên và quan trọng nhất là phải xác định cho được triết lý, sứ mệnh và mục tiêu giáo dục phù hợp với đất nước mình. Thực ra những vấn đề quan trọng này Hồ Chủ tịch đã nói rõ ngay từ những ngày đầu tiên mới khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Chúng  tôi xin minh họa điều này: Năm 1996, dựa trên Báo cáo của Hội đồng Delors, UNESCO đã khẳng định giáo dục toàn thế giới trong thế kỷ XXI được xây trên bốn trụ cột, đó là “học để biết, học để làm việc, học để chung sống với nhau và học để làm người”. Cả nhân loại đều thừa nhận chân lý này.Tuy nhiên, nếu để ý chúng ta sẽ thấy về cơ bản tư tưởng và chân lý này đã được Hồ Chí Minh viết ra ngay từ tháng 9 năm 1949 trên trang đầu của cuốn sổ vàng khi Người đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tiền thân của Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.” Tôi xin đề nghị Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam gửi (nếu chưa) nguyên bản bút tích nói trên năm 1949 của Bác kèm theo bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp đến UNESCO tại Paris, để thấy Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ trước đã góp phần xây dựng nên bốn trụ cột giáo dục của toàn thế giới do UNESCO khuyến nghị năm 1996 như thế nào.

Hồ Chủ tịch gửi lưu học sinh đi du học nước ngoài: Trước đây khoảng gần 10 năm, tại một hội nghị Việt – Mỹ được tổ chức tại Hải Phòng để bàn việc triển khai chương trình học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation, VEF) dành cho sinh viên Việt Nam, đã có một kỷ niệm đáng nhớ. Tổng số tiền mà Quỹ này có là 145 triệu USD. Đây là số tiền mà Chính phủ ta phải trả nợ thay cho Chính quyền Sài Gòn về các khoản vay phi quân sự mà Chính phủ Hoa Kỳ đã cho Chính quyền Sài Gòn vay trong thời gian chiến tranh. Trước khi hết nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Bill Clinton đã ký sắc lệnh có nội dung thay vì CHXHCN Việt Nam phải trả trực tiếp cho Hoa Kỳ số tiền này thì CHXHCN Việt Nam có thể dùng số tiền này để cử sinh viên đại học và sau đại học sang học tập và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học có uy tín cao ở Hoa Kỳ, trong những ngành khoa học, công nghệ tiên tiến, y học,... Khi đọc kết luận tại hội nghị nói trên, Trưởng đoàn đại biểu phía Hoa Kỳ nhấn mạnh: Đây là một cơ hội to lớn và hiếm hoi cho sinh viên Việt Nam có thể sang học tập tại Hoa Kỳ, các ông cần phải nắm lấy. Tôi đã thay mặt đoàn Việt Nam, cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ và phái đoàn và cũng xin nhấn mạnh: Không phải đợi cho đến đầu thế kỷ 21 chúng tôi mới mong muốn được gửi sinh viên đi đào tạo ở Hoa Kỳ mà ngay từ ngày 01 tháng 11 năm 1945, chỉ hai tháng sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ thông qua Ngoại trưởng James F. Byrnes:

“Thưa Ngài!

Nhân danh Hội văn hoá Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác.

Nguyện vọng mà tôi đang chuyển tới Ngài là nguyện vọng của tất cả các kỹ sư, luật sư, giáo sư Việt Nam, cũng như những đại biểu trí thức khác của chúng tôi mà tôi đã gặp.

Trong suốt nhiều năm nay họ quan tâm sâu sắc đến các vấn đề của nước Mỹ và tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam.

Tôi thành thực hy vọng kế hoạch này sẽ được thuận lợi nhờ sự chấp thuận và giúp đỡ của Ngài, và nhân dịp này tôi xin gửi tới Ngài những lời chúc tốt đẹp nhất ”.

Tôi đã tìm thấy bức thư này của Bác tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội và đã chụp sẵn mang đến hội nghị để đưa cho các đại biểu Hoa Kỳ. Bức thư này cũng có thể tìm thấy trong Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 4 (1945-1946), trang 80-81, và cũng được lưu trữ tại U.S. Government Printing Office, Washington, 1971, p.90, United States – Vietnam Relations 1945-1967. Rất tiếc bức thư đầy thiện chí này của Bác đã không được hồi âm. Như vậy phải hơn nửa thế kỷ sau, mong muốn gửi thanh niên Việt Nam đi du học ở Hoa Kỳ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được thực hiện. Cuối cuộc họp nói trên tại Hải Phòng, các đại biểu và giáo sư Hoa Kỳ đã đến gặp tôi và rất xúc động nói cho đến nay mới được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư này cho Hoa Kỳ và rất lấy làm tiếc là đã không có trả lời. Đây là bức thư về giáo dục. Và nếu cùng với bảy bức thư khác Bác gửi cho các Tổng thống Hoa Kỳ về nhiều vấn đề khác nhau mà được trả lời thiện chí thì tình hình quan hệ hai nước và quốc tế đã khác.

Những lần sau, ngay từ đầu những năm năm mươi và sáu mươi của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta đang diễn ra vô cùng ác liệt, Bác và Nhà nước ta đã rất thành công khi gửi một số lượng lớn lưu học sinh Việt Nam đi du học ở Trung Quốc, Liên Xô (cũ) và các nước XHCN ở Đông Âu, CHDCND Triều Tiên, Cu Ba,... Như vậy, chính vào những thời điểm cam go nhất của vận mệnh dân tộc kể từ năm 1945, Bác luôn luôn chủ trương gửi lưu học sinh Việt Nam đi du học nước ngoài để chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai. Như vậy ngay từ đầu, trong tư duy và hành động, Hồ Chí Minh luôn coi khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và hội nhập quốc tế là quốc sách hàng đầu.

Bác Hồ là một tấm gương tự học, học suốt đời: Báo cáo của Hội đồng Delors lên UNESCO năm 1996, ngoài việc khuyến nghị  bốn trụ cột giáo dục của toàn thế giới trong thế kỷ XXI, còn đề cập đến khái niệm “Học suốt đời”. Có thể nói cuộc đời và hoạt động của nhà giáo Nguyễn Tất Thành chính là một ví dụ sinh động minh hoạ khái niệm học suốt đời, học mở, một cuốn sách mở, suốt đời ủng hộ và cổ súy cho việc học tập, chính quy và phi chính quy và thực sự luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Cách học là phi chính quy, vì không có điều kiện học chính quy, và không vị bằng cấp, nhưng kiến thức và bài học thực tiễn thu được là rất chính quy và cơ bản. Ngược lại, ngày nay vẫn còn có người chưa thực sự xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, có người được đi học theo hình thức chính quy, nhưng kiến thức thu nhận được lại phi chính quy.

Chỉ xin lấy vốn ngoại ngữ của Người làm ví dụ minh hoạ cho khả năng tự học của Người. Chúng ta đã biết Bác Hồ thành thạo những thứ tiếng quốc tế như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc,... và dùng được cả tiếng Thái, tiếng các dân tộc ít người, vì Bác đã ở, làm việc, hoạt động cách mạng và tìm hiểu những tư tưởng tiến bộ của thời đại ở các nước, các địa phương nói thứ tiếng đó. Việc Bác biết cả tiếng Đức và để lại bút tích chuẩn mực bằng tiếng Đức ở Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh khiến tôi ngạc nhiên vô cùng. Bác có thể đọc các tác phẩm kinh điển của Marx, Engels và Lenin bằng tiếng Pháp, Anh và Nga. Nhưng Người học thêm cả tiếng Đức có lẽ để đọc Tư bản luận (Kapital) của Marx trong nguyên tác bằng tiếng Đức? Đây là một đức tính mà các nhà khoa học hậu thế cần noi theo gương của Người để tìm hiểu trên nguyên tác của các công trình khoa học, chứ không chỉ thông qua bản dịch.

Một ví dụ khác nữa về khả năng ngoại ngữ đặc biệt của Bác. Năm 1924, khi hoạt động tại Quảng Châu, Trung Quốc, để chuẩn bị lực lượng cho cách mạng Việt Nam, Bác, lúc đó lấy tên là Lý Thụy, đóng vai trò là phiên dịch cho M. M. Borodin, Trưởng đoàn cố vấn của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Trung Sơn, tức là phiên dịch giữa tiếng Trung Quốc và tiếng Nga, cả hai đều không phải là tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ!

▪ Tham khảo những kinh nghiệm quốc gia và quốc tế để làm giáo dục: Trong thời đại hội nhập quốc tế và thế giới phẳng ngày nay, chúng tôi cho rằng việc tham khảo có chọn lọc những kinh nghiệm giáo dục của các nước và chú ý đến những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, trước hết là các cơ quan của Liên Hiệp Quốc như UNESCO, UNICEF,..., sẽ giúp chúng ta giảm bớt khó khăn, bớt mày mò và đi đúng hướng văn minh của thời đại. Và cũng chỉ khi đó, nguồn nhân lực do chúng ta tạo ra mới đủ trình độ và sức mạnh để hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên toàn cầu.

Chúng ta đã và đang cố gắng học hỏi được nhiều nhất những cái hay của thiên hạ và quan trọng hơn nữa là học hỏi ngay chính những cái tốt trong lịch sử giáo dục nước nhà, một quốc gia có nền văn hiến mấy nghìn năm, sẽ giúp chúng ta bớt ”loay hoay”. Mà có ai, có nước nào trên thế giới này ngăn cấm chúng ta học hỏi và tham khảo kinh nghiệm tốt của họ đâu. Chúng ta học hỏi và tham khảo có chọn lọc chứ không phải sao chép (copy). Vả lại làm gì có một loại ”thức ăn sẵn” nào trong giáo dục. Nhưng cũng không có nghĩa là ta phải loay hoay từ đầu trong hoàn cảnh của ta, cho riêng ta. Từ tư duy đến hành động, từ triết lý đến triển khai giáo dục, cần thiết và có thể vận dụng triệt để các bài học quốc tế và lịch sử có giá trị và phù hợp với mình. Luật sư Nguyễn Trần Bạt viết: ”Nước nào có nền giáo dục tốt thì chúng ta bắt chước, bắt chước chương trình, bắt chước triết lý của người ta” (Đối thoại với tương lai, trang 671). Chỉ như vậy chúng ta mới có thể hy vọng tiến nhanh hơn (so với chính mình ở giai đoạn trước) và giảm bớt dần khoảng cách so với khu vực và thế giới phát triển. Ở đây chúng tôi chưa dám nói là chúng ta sẽ ”đi tắt, đón đầu” các nước có nền giáo dục tiên tiến. Cố bám sát họ nhất có thể được đã là khó khăn, thách thức và vinh dự. Vì khi ta cố ”tiến lên” thì họ đâu có dừng mà còn ”tiến lên” với tốc độ lớn hơn. Nói theo ngôn ngữ vật lý thì không chỉ tốc độ mà gia tốc của các nước tiên tiến đều lớn hơn ta.

Chương trình và sách giáo khoa: Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham khảo có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế trong giáo dục và nói riêng là trong việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa. Điều đáng mừng là ngay từ những ngày đầu tiên của nền giáo dục cách mạng, chúng ta đã chú ý đến điều này. Nhiều kinh nghiệm giáo dục của Liên Xô (cũ), Pháp, Trung Quốc và các nước XHCN khác đã được chúng ta tiếp thu có chọn lọc. Tôi nhớ ngày còn đi học, các cuốn sách giáo khoa phổ thông mỏng dính, kiến thức rất chắt lọc, nhưng về cơ bản vẫn ”đủ chất” cho học sinh, kể cả “chất để làm người”, dù học tiếp lên đại học ở trong hoặc ngoài nước, học cao đẳng hay đi học nghề hoặc đi làm. Được vậy là nhờ chúng ta đã tham khảo cách làm giáo dục, tham khảo các sách giáo khoa chuẩn mực và rất cơ bản của Nga, Pháp, Mỹ và các nước khác. Nói riêng trong môn toán, các cuốn sách giáo khoa cấp II và III ngày ấy do thầy Lê Hải Châu và thầy GS. Hoàng Tụy biên soạn vừa ngắn gọn, súc tích vừa cơ bản.

Hiện nay khi biên soạn lại và hiện đại hoá sách giáo khoa chúng ta đã chú ý hơn nữa đến việc học hỏi những kinh nghiệm quốc tế. Đó là cách làm rất khoa học, tiết kiệm và hội nhập trong thời đại ”thế giới phẳng” ngày nay. Nhưng chúng tôi cho rằng cần phải mạnh dạn hơn nữa trong việc tham khảo có chọn lọc và sử dụng nguồn thông tin, sách giáo khoa trên thế giới, đặc biệt là đối với các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, không chỉ ở bậc phổ thông mà ngay cả ở bậc đại học và sau đại học. Ngay cả đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, chất liệu về cơ bản đương nhiên là của chúng ta, nhưng vẫn cần xem họ thiết kế chương trình và dạy ra sao, để học sinh chúng ta luôn tiếp cận được những tư tưởng tiến bộ nhất trong văn hoá, nghệ thuật, hiểu được và hướng tới những giá trị nhân văn cao cả của thời đại ngày nay. Tóm lại là phải thấm nhuần sâu sắc phương châm ”cơ bản, hiện đại, Việt Nam” của Đảng ta trong giáo dục phổ thông và cả đại học. ”Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu”, ngẫm lại cả chiều dài lịch sử và hướng tới tương lai (cho đủ cả bốn chiều!) để học hỏi, để xây dựng con người Việt Nam mới, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng cũng phải đủ bản lĩnh để hội nhập và phát triển trong thế giới phẳng ngày nay, với đầy cam go, thử thách và cạnh tranh khốc liệt xảy ra trong khu vực và trên thế giới, liên quan tới phát triển bền vững, tới an ninh và chủ quyền Tổ quốc.

Bài học từ giáo dục Nhật Bản: Chúng ta đã chứng kiến câu chuyện thần kỳ về việc vua Minh Trị (1852-1912) đã canh tân đưa Nhật Bản phát triển lên thành một quốc gia hiện đại, thoát khỏi nguy cơ trở thành một nước thuộc địa. Nhật Bản cũng tự xác định, nước mình không được ưu ái gì về tài nguyên thiên nhiên, ngược lại còn bị động đất liên miên, nên ngay từ đầu họ đã chú ý xây dựng và khai thác nguồn tài nguyên con người. Tinh thần thời mở cửa của vua Minh Trị được thể hiện cụ thể trong công thức “Tinh thần, đạo đức phương Đông và khoa học phương Tây” (“Eastern ethics and Western science”) do nhà công nghệ nổi tiếng Sakuma Sho-zan (1811-1864) đề xuất. Vua Minh Trị, một mặt mời các nước tư bản phương Tây vào làm ăn buôn bán, mặt khác cử hơn 200 thanh niên, sinh viên, chuyên gia trên một chuyến tàu đi tham quan học tập một năm rưỡi vòng quanh thế giới, qua Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga,... Đến nước nào Đoàn cũng để lại người tiếp tục học tập và nghiên cứu, quá nửa là ở Mỹ. Ngay từ ngày ấy nước Nhật đã có sự lựa chọn rất chiến lược và cụ thể cần học cái gì, ở đâu. Sau Minh Trị duy tân, Nhật Bản đã học hỏi khoa học y tế và quân sự từ nước Đức, hải quân thì phần lớn học từ nước Anh và mỹ thuật, luật dân sự từ nước Pháp. Sau chiến tranh Thế giới thứ II, họ tiếp tục học được  nhiều kỹ thuật quan trọng từ công nghiệp sản xuất xe hơi của Mỹ, khoa học hạt nhân của Pháp, công nghiệp sản xuất máy móc và dược phẩm của Đức.

Bài học từ giáo dục Trung Quốc: Theo đánh giá của Trung Quốc và các nước, các tổ chức quốc tế, sở dĩ kinh tế Trung Quốc tăng trưởng liên tục hơn 10% trong suốt 30 năm qua, một nguyên nhân cơ bản là nguồn nhân lực của nước này có chất lượng cao. Để đạt được điều này, Trung Quốc đã hiện đại hoá, quốc tế hoá nền giáo dục nước mình trong việc thiết kế chương trình, sách giáo khoa, kiểm tra, đánh giá theo chuẩn mực quốc tế, đào tạo giáo viên và xây dựng cơ sở vật chất. Trung Quốc chủ trương dùng tối đa các chương trình, sách giáo khoa hiện đại quốc tế và giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh các môn khoa học, công nghệ, tăng cường mời giáo sư, chuyên gia, hiệu trưởng, viện trưởng là Hoa kiều hoặc người nước ngoài.

Từ năm 1978, sau chuyến thăm Mỹ về, Đặng Tiểu Bình đã bắt đầu nhiều cải cách quan trọng trong phát triển kinh tế, trong đối nội đối ngoại, nói riêng là trong khoa học và giáo dục của Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình đã chỉ đạo: Muốn Trung Quốc phát triển và hội nhập quốc tế nhanh chóng thì nền giáo dục Trung Quốc phải được quốc tế hóa trước một bước, thanh niên, học sinh, sinh viên phải tăng cường học tiếng Anh, phải lập các trung tâm học và thi TOEFL, IELTS tại các thành phố, phải tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và gửi học sinh, sinh viên đi du học nước ngoài, theo phương châm 12 chữ vàng “chi trì lưu học, cổ lệ hồi quốc, lai khứ tự do” (“khuyến khích du học, động viên về nước, đi về tự do”). Chính vì vậy, đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày đó, nền giáo dục Trung Quốc đã tạo ra nguồn nhân lực vừa có quy mô lớn vừa có chất lượng cao, đủ sức lan toả và cạnh tranh trên toàn thế giới. Trung Quốc đã cử được gần một triệu lưu học sinh, kể cả tự túc, đi học ở trên 100 nước và vùng lãnh thổ, mà quá nửa là đi Mỹ. Một phần ba trong số này đã trở về nước trực tiếp góp phần xây dựng và phát triển Trung Hoa hiện đại, 2/3 còn lại là cầu nối và cộng tác viên quan trọng giúp Trung Quốc hợp tác, làm ăn với cả thế giới. “Về nước là yêu nước, chưa về ngay hoặc ở lại nước ngoài cũng là yêu nước”. Đó là quan điểm và chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Nước này phấn đấu đến năm 2049 (100 năm nước CHND Trung Hoa) sẽ có người Trung Quốc ở trong nước được nhận giải Nobel, mặc dù cho đến nay đã có không ít Hoa kiều được nhận giải Nobel, Fields và các giải thưởng cao quý khác.

Bài học từ giáo dục nước Anh: Chúng tôi suy nghĩ và bước đầu thấy rằng nền giáo dục Anh quốc có những nét đặc trưng khác các nền giáo dục khác và khi nói chuyện, người Anh rất tự hào về điều này. Đó là: Giáo viên và sách giáo khoa nước Anh trước hết chú ý rèn cho học sinh, sinh viên của họ học để sáng tạo chứ không học để thuộc lòng, học chỉ để có kiến thức. Có lẽ họ là những điển hình trung thành với nguyên tắc: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn cả kiến thức” (“Imagination is more important than knowledge”) của nhà bác học vĩ đại nhất mọi thời đại Albert Einstein, hoặc quan điểm của William A. Warrd: "Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng." Các nhà giáo dục Anh quốc thường ”chê” nhà trường ở một số nước khác, vì dạy học sinh học thuộc lòng quá nhiều, vì ”cứng nhắc” và ”bảo thủ”. Sau khi tìm hiểu thêm tôi thấy sự tự tin đáng yêu đó của các học giả người Anh cũng có những cơ sở nhất định. Theo kết quả của một cuộc thăm dò ý kiến đáng tin cậy trên toàn thế giới, trong số 10 phát minh khoa học vĩ đại nhất của loài người từ xưa đến nay thì 4 do người Anh nắm giữ. Trong số 10 đại học đứng hàng đầu thế giới thì thường Mỹ chiếm 7, Anh 2 và Pháp 1 (École Polytechnique, thành lập năm 1794) và bốn đại học hàng đầu thế giới là Harvard (Mỹ, thành lập năm 1636), MIT (Mỹ, 1861), Oxford (Anh, 1096) và Cambridge (Anh, 1209). Nhưng sẽ rất thú vị khi phân tích kĩ lịch sử hình thành của chúng: Harvard là “con đẻ” của Oxford và Cambridge! Nói rộng ra, nền giáo dục và đại học nước Anh đã góp phần tạo ra và tiếp tục có ảnh hưởng to lớn trong vòng hai thế kỷ vừa qua đến các nước ở Bắc Mỹ, Úc, Nam Á, nam ASEAN, Hongkong và các nước khác thuộc khối Liên hiệp Vương Quốc Anh. Có thể chăng, đây cũng là một trong các lý do làm cho tiếng Anh ngày càng trở nên phổ dụng trên toàn thế giới? Theo thống kê mấy năm trước đây của Hội đồng Anh (BC): Có 370 triệu người bản ngữ nói tiếng Anh và 375 triệu người sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ. Như vậy có 745 triệu người nói tiếng Anh. Con số này chắc tăng nhanh lên hàng ngày. Đó là chưa kể đến hàng tỷ máy tính trên khắp thế giới này lại chỉ được con người ”dạy” để ”nói” tiếng Anh. Vì thế người ta nói: Tiếng Anh có nhiều nước nói nhất, còn tiếng Trung Quốc có nhiều người nói nhất.

Bài học từ giáo dục Singapore và Malaysia: Chúng tôi xin nêu vài ví dụ để so sánh. Năm 1965, Singapore tách ra thành một đảo quốc độc lập từ Malaysia và Ông Lý Quang Diệu (NS: 1923), cựu sinh viên luật của ĐH Cambridge, nước Anh, là Thủ tướng trong suốt 31 năm, từ 1959 cho đến 1990. Với diện tích 697,25 km2, chỉ xấp xỉ bằng huyện Cần Giờ, TP. HCM, và dân số 5,1 triệu người (năm 2010), Singapore xuất phát từ một làng chài nghèo, đến nước uống cũng không có, phải mua của Malaysia. Vì thế Thủ tướng Lý Quang Diệu ngay từ đầu đã xác định rằng nước mình không có một nguồn tài nguyên nào hết, tất cả phải nhờ cái đầu, đi lên bằng cái đầu, bằng nguồn nhân lực và tài năng. Singapore có ba nhóm người chính là Hoa, Ấn Độ và Mã Lai. Cả ba vẫn duy trì tiếng nói, văn hoá và bản sắc của mình, nhưng ngôn ngữ chính thức được sử dụng chung trong hành chính và giáo dục là tiếng Anh. Hiện nay 20% số sinh viên trên đất Singapore là người nước ngoài, có thể bằng học bổng của Singapore, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ thì ở lại làm việc tại Singapore để trả nợ. Một số trường phổ thông chất lượng cao và đại học có uy tín quốc tế của Singapore đã trực tiếp sang Việt Nam hoặc qua internet, tổ chức hội thảo du học, trại hè,... để tìm học sinh, sinh viên và NCS tài năng thu hút về học tập và nghiên cứu ở nước họ. Như vậy, họ không chỉ biết khai thác trí tuệ của 4-5 triệu người của mình mà cả hàng triệu người nước ngoài, nhất là người có tài. Sự khôn ngoan của họ lại làm tôi nhớ đến câu thơ rất hay của Cao Bá Quát “kho trời chung, mà vô tận của mình riêng”. Trong một số lần sang thăm và trả lời phỏng vấn tại Việt Nam, Ông Lý Quang Diệu cho rằng đó là lợi thế của nước mình trong hội nhập quốc tế và còn khuyên thế hệ trẻ nước ta ngày nay phải nhanh chóng thành thạo tiếng Anh thì mới làm ăn và cạnh tranh được trên thế giới.

Trong suốt 20 năm đầu khi mới thành lập nhà nước Singapore, Ông Lý Quang Diệu chỉ đạo Bộ Giáo dục nước này dùng luôn sách giáo khoa phổ thông của nước Anh cho trường học của mình, nhất là đối với các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Đây có lẽ là một trong số các cách nhanh nhất, khoa học nhất, tiết kiệm nhất để cập nhật, hiện đại hoá nền giáo dục và nói riêng là biên soạn sách giáo khoa, bảo đảm các nguyên tắc của khoa học sư phạm hiện đại, vì các nước phát triển lâu đời như nước Anh đã có truyền thống với nhiều chuyên gia khoa học và giáo dục rất giỏi. Đương nhiên khi viết sách giáo khoa, các tác giả người Anh đã kết hợp tài tình những kinh nghiệm truyền thống của họ được cả thế giới khâm phục với những bài học quốc tế đắt giá.

Trong khi đó Malaysia, nước láng giềng bên cạnh, thì lại chủ trương dùng tiếng Malay là chủ yếu. Kết quả là rất nhiều học sinh, sinh viên nước này bỏ ra học nước ngoài, trong đó có nhiều thanh thiếu niên, con nhà giàu, khiến mỗi năm bị chảy máu ngoại tệ nhiều tỷ Đô la Mỹ và chất lượng đại học đi xuống. Cách đây ít năm, sau 22 năm làm Thủ tướng, ông Mahathir Mohamad đã rút ra bài học kinh nghiệm đắt giá về giáo dục và yêu cầu mọi người Mã Lai hãy trở lại với tiếng Anh và cá nhân Ông gương mẫu học trước. Nói vậy thôi, nhưng có lần vào khoảng đầu những năm 2000, khi tham dự Hội nghị thường niên của các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (SEAMEC) được tổ chức tại Kinabalu (Malaysia), tôi nghe Ông phát biểu trơn tru bằng tiếng Anh thứ thiệt trong suốt một giờ đồng hồ mà không cần cầm giấy tờ, trợ lý, phiên dịch gì cả.

Tài liệu tham khảo

Khi chuẩn bị tham luận này chúng tôi đã tham khảo Nghị quyết Đại hội Đảng CSVN lần thứ IX, XI và các bài viết của các tác giả Nguyễn Thị Bình, Hoàng Tụy, Trần Hồng Quân, Phạm Minh Hạc, Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Vũ Luận, Nguyễn Trần Bạt, Văn Như Cương, Nguyễn Minh Thuyết, Mai Trọng Nhuận, J. Knight, Hans De Wit, Zha Qiang, ...

Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2012

Trần Văn Nhung

tvnhung@moet.edu.vn

 

Home | Giới thiệu | Lịch sử | Thành tích | Học sinh | Album Ảnh | Videos | Phần mềm | Tài liệu | Giải trí | Liên kết

Copyright © 2011 Album Tổng hợp của Khối chuyên Toán-Tin Đại học Tổng hợp Hà Nội
Phone mobile: 0904070637 hoặc 0986838536
Email: lightsmok@gmail.com hoặc Yahoo Messenger: happidragon@yahoo.com